Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Vinashin và bài học quản lý

04/04/2012

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ở Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đã kết thúc. Từ sự đổ vỡ của một tập đoàn một thời danh tiếng, càng thấy rõ hơn bài học đắt giá trong quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Bị cáo Phạm Thanh Bình (giữa) tại phiên tòa sơ thẩm Bị cáo Phạm Thanh Bình (giữa) tại phiên tòa sơ thẩm

 

Bài học trong công tác xây dựng Đảng và trách nhiệm người đứng đầu
Trước hết, phải thừa nhận rằng, không thể phủ nhận đóng góp tích cực của Vinashin đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua. Tuy nhiên, những hậu quả để lại trong vụ án này cũng vô cùng nặng nề. Hội đồng xét xử đã làm rõ, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, bị cáo Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và các bị cáo: Trần Văn Liêm, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Tuấn Dương, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Trần Quang Vũ, Đỗ Đình Côn, Hồ Ngọc Tùng và Giang Kim Đạt đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước ở các dự án: Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen; dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng; dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân; dự án đầu tư tàu Bình Định Star và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước.
Trong vụ án này, bị cáo Phạm Thanh Bình là người được giao trọng trách đứng đầu Tập đoàn nhưng đã không làm tròn nhiệm vụ được Nhà nước và nhân dân giao phó; có nhiều hành vi sai phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần. 
Ngoài thiệt hại về tiền, tài sản của Nhà nước đặc biệt lớn, hành vi phạm tội của các bị cáo còn làm đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư đối với ngành Công nghiệp tàu thủy (CNTT) Việt Nam; gây dư luận xấu, bất bình trong xã hội, ảnh hưởng đến đời sống hàng chục ngàn lao động...
Chính bị cáo Phạm Thanh Bình, khi được phép nói lời cuối cùng trước khi tòa tuyên án, cũng đã thừa nhận rằng: “Quyết tâm vì công nghiệp đóng tàu, tôi đã thực hiện tất cả những công việc trong bối cảnh khó khăn nên có những lúc nóng vội, thậm chí có những lúc “xé rào” làm sai quy định của Chính phủ nhưng tất cả đều vì lợi ích chung của tập thể, không vì tính cá nhân nào. Mong Hội đồng Xét xử xem xét”.
Ở đây, trước tiên, nói đến trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Không chỉ là câu chuyện của Vinashin, mà sau sự việc xảy ra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây, với quyết định điều chuyển ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị EVN sang vị trí khác, dư luận càng quan tâm nhiều hơn đến trách nhiệm người đứng đầu.
Chưa để lại hậu quả nặng nề như trường hợp của Vinashin, nhưng việc các khoản đầu tư ngoài ngành của EVN bị thua lỗ tới 1.000 tỷ đồng trong năm 2010 cũng là một lời cảnh tỉnh cho việc phải tăng cường quản lý, giám sát hoạt động của tập đoàn này. Không bảo toàn được vốn nhà nước được giao, gây thua lỗ, đương nhiên trách nhiệm trước tiên thuộc về lãnh đạo EVN, cũng như Vinashin. Trách nhiệm người đứng đầu là ở đó. 
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” cũng đã nhấn mạnh điều này. Nghị quyết đã chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc… Nguyên tắc "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách" trên thực tế ở nhiều nơi rơi vào hình thức… tạo kẽ hở cho cách làm việc tắc trách, trì trệ, hoặc lạm dụng quyền lực một cách tinh vi để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Thực tế này đã phần nào diễn ra ở Vinashin và hậu quả gây ra là rất nghiêm trọng. Câu chuyện nằm ở chỗ, người đứng đầu có trách nhiệm càng cao thì khi sai phạm, phải xử lý càng nặng. 
Trong bài phát biểu sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng có đoạn “Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng”.
Với mức án 20 năm tù dành cho Phạm Thanh Bình và các mức án từ 10-19 năm tù dành cho các bị cáo khác trong vụ án cố ý làm trái các quy định quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng ở Tập đoàn Vinashin đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đồng thời có tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Quyết định này cũng nhận được sự đồng tình của dư luận.
Tuy nhiên, điều quan trọng là, từ vụ án này cũng phải rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng thời gian tới. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã chỉ rõ, để tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Đảng trong thời gian tới, cần chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách sau đây: Đó là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là ở cấp trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế; Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền và mối quan hệ với tập thể cấp uỷ, cơ quan, đơn vị.  
Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức được tầm quan trọng và tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái trong tư tưởng, chính trị, đạo đức. Điều này đòi hỏi tính tự giác và gương mẫu rất cao, nhất là người cán bộ lãnh đạo có vị trí hết sức quan trọng. Cán bộ chủ chốt và người đứng đầu phải dám nhìn thẳng vào sự thật, gương mẫu tự phê bình và phê bình nghiêm túc. Đối với mỗi tổ chức Đảng phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, mà đặc biệt là công tác quản lý chặt chẽ cả về tư tưởng, hành vi, hành động; đồng thời phải thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước. 
 
Bài học trong quản lý, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước
Trên một khía cạnh khác, cũng phải thấy rằng, mặc dù Phạm Thanh Bình và các bị cáo khác đã chịu mức án thích đáng, nhưng những việc đang diễn ra tại EVN, hay trước đó là Vinashin cũng cho thấy, điểm yếu trong hệ thống giám sát hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong đó có việc thực hiện không tốt yêu cầu về công khai, minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình trong quản trị doanh nghiệp nhà nước.
Vì thế, thiết lập thể chế yêu cầu tập đoàn, tổng công ty nhà nước công khai, minh bạch hóa thông tin theo thông lệ quốc tế, buộc các cơ quan, cá nhân, đại diện chủ sở hữu và các bên liên quan trực tiếp hoặc liên đới chịu trách nhiệm giải trình về kết quả, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của khu vực này là đề nghị không mới, nhưng thực sự cấp thiết và không thể chậm trễ. Đi cùng với đó là một thể chế chuyên trách, thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước theo thông lệ tốt và pháp luật hiện hành thay vì sự phân chia chức năng thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước cho nhiều bộ, ngành như hiện nay...
Cũng cần phải nhắc lại rằng, việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước, chuyện đầu tư dàn trải, kém hiệu quả ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã nhiều lần "nóng" trên diễn đàn Quốc hội và trên các phương tiện truyền thông. Trong đó, Vinashin luôn là cái tên được nhắc tới nhiều nhất. Và gần đây là EVN. 
Sau khi Vinashin được tái cơ cấu, các tập đoàn lớn cũng đang thực hiện các kế hoạch tái cơ cấu, nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế của Chính phủ. Từ góc nhìn này, có lẽ, nên coi câu chuyện Vinashin như một lời cảnh báo, một bài học về việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, để từ đó có thể tránh những "vết xe đổ". Càng là lực lượng nòng cốt của nền kinh tế, các đơn vị này càng phải tuân thủ quy định pháp luật và sử dụng tốt và hiệu quả nguồn vốn mà Nhà nước tin tưởng giao phó.
Thực tế cho thấy, vụ Vinashin, tất nhiên trước tiên trách nhiệm thuộc về cá nhân Phạm Thanh Bình, nhưng một cách tổng thể, còn do năng lực, trình độ quản trị doanh nghiệp yếu kém; do quản lý tài chính lỏng lẻo; xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất - kinh doanh, kế hoạch đầu tư quá nhanh, quá nóng, không phù hợp với nguồn vốn và năng lực quản lý; thực hiện nhiều dự án đầu tư ngoài quy hoạch, không đúng quy định của pháp luật hiện hành; quyết định sử dụng vốn kém hiệu quả... Và cả những nguyên nhân đến từ sự chỉ đạo điều hành, quản lý của các cơ quan quản lý. 
Vấn đề là, nếu “soi” các “bệnh” của Vinashin vào các tập đoàn, tổng công ty đang khỏe mạnh trong hiện tại, thì thấy đây đó, cũng tiềm ẩn những nguy cơ mắc bệnh tương tự. Đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành là vấn đề đã được dư luận nhắc tới rất nhiều từ đầu năm 2008. Hay vấn đề vay nợ lớn, đầu tư nóng chắc chắn không chỉ là chuyện của 1-2 đơn vị. Còn năng lực quản trị yếu kém, đó cũng không phải là trường hợp cá biệt...
Có thể thấy rất rõ điều đó qua các thông tin về tình hình hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong những năm qua, cũng như trong kết quả kiểm toán mà Kiểm toán Nhà nước công bố. EVN là ví dụ nóng hổi nhất... “Bệnh” của Vinashin rõ ràng không phải chỉ là của riêng tập đoàn đóng tàu này.
Và cũng chính vì vậy, nên Chính phủ đã yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành, tái cấu trúc lại hoàn hệ thống. Đây là việc làm rất cấp thiết để không có một Vinashin thứ hai./.
               
                                                                           Theo Dangcongsan.org

VIDEO