Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tồn đọng, phức tạp kéo dài

08/08/2013

Ngày 8/8, tại Ninh Bình, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì cùng đồng chí Nguyễn Thị Thanh, UV dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình, Đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, đại diện HĐND, UBND, đại diện Thanh tra, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc và các bộ, ngành Trung ương cùng tham dự Hội nghị.

 

 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh, UV dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình nhiệt liệt chào mừng các đại biểu về dự Hội nghị. Bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, trong quá trình triển khai Chỉ thị 14 và Kế hoạch 1130, tỉnh Ninh Bình đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với các cơ quan Trung ương, đặc biệt là với Thanh tra Chính phủ trong việc thống nhất giải pháp để giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo còn tồn đọng, kéo dài, nhất là những vụ việc khiếu nại liên quan đến đất đai, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng có đông người tham gia. Kết quả đó đã góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để Ninh Bình phát triển toàn diện kinh tế văn hóa xã hội. Cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, bà Thanh bày tỏ tin tưởng với sự chuẩn bị chu đáo, Hội nghị tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài sẽ thành công tốt đẹp.

Báo cáo tình hình khiếu nại, tố cáo năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, ông Nguyễn Kim Châu, Cục trưởng, Cục giải quyết khiếu nại, tố cáo và thanh tra khu vực phía Bắc, Thanh tra Chính phủ cho biết, năm 2012, tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có những diễn biến phức tạp. Số lượng đơn thư, vụ việc phát sinh còn nhiều, tập trung chủ yếu ở những địa bàn có nhiều dự án, công trình và các khu vực thành thị. Tình trạng khiếu kiện đông người xảy ra ở hầu hết các địa phương (21/25 tỉnh, thành phố) với 2.117 lượt đoàn và 1.199 vụ việc.

6 tháng đầu năm 2013 các địa phương tiếp 36.543 lượt công dân, 600 đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo với 3.535 vụ việc khiếu nại, 1.511 vụ việc tố cáo; so với cùng kỳ năm 2012 thì tình hình khiếu nại, tố cáo có chuyển biến tích cực hơn đó là giảm cả 3 tiêu chí, trong đó, số lượt người giảm 1,53%; số đoàn đông người giảm 7,41%; số vụ việc khiếu nại giảm 8,8%; số vụ việc tố cáo giảm 2,3%Tình hình công dân khiếu kiện lên Trung ương vẫn có chiều hướng phức tạp. 6 tháng đầu năm có 1.407 lượt với 5.642 người và 211 lượt đoàn đông người đến Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Hà Nội.

 

Ở các Bộ, ngành, tình hình khiếu nại, tố cáo không phức tạp như các địa phương và chủ yếu liên quan đến trách nhiệm giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số bộ, ngành khác như: Lao động, Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Tài chính…

Kết quả kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Chỉ thị 14/CT/TTG, Kế hoạch 113-/KH-TTCP, có 21/25 tỉnh thành đã ban hành các văn bản chỉ đạo, trong đó giao Thanh tra tỉnh làm đầu mối phối hợp với Cục I, Thanh tra Chính phủ tổ chức thực hiện. Có 4 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thái Nguyên không có vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài (trong số 528 vụ việc đã thống kê, báo cáo cuối năm 2011) nhưng cũng đã chủ động thành lập các tổ công tác do Thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan để rà soát, giải quyết các vụ việc phức tạp, đông người gắn với việc kiểm tra, đôn đốc công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với các cấp, các ngành trong tỉnh.Thanh tra Chính phủ ban hành một số văn bản hướng dẫn và các biểu mẫu nghiệp vụ, tổ chức tập huấn về quy trình kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài nhằm đảm bảo triển khai thống nhất; Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thành lập 28 tổ công tác phối hợp với Uỷ ban nhân dân 47 tỉnh, thành phố để kiểm tra, rà soát nội dung vụ việc, quá trình giải quyết, làm rõ nguyên nhân và xác định phương án giải quyết dứt điểm.
Kết quả thực hiện Kế hoạch 1130/KH-TTCP, đối với các địa phương, địa bàn khu vực phía Bắc có 146 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài tại 21 địa phương. Tổng thanh tra Chính phủ đã giao Cục I thành lập 6 Tổ công tác phối hợp với địa phương tiến hành rà soát 146 vụ việc tại 21 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Bắc. Tính đến ngày 31/7/2013, Cục I và các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc cùng các Bộ, ngành có liên quan đã rà soát 146/146 vụ việc, đạt 100%; đã thực hiện các bước để giải quyết xong được 136 vụ việc, đạt tỷ lệ 93,15%.
Đánh giá kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Chỉ  thị 14 và Kế hoạch 1130 cho thấy: Về ưu điểm, các ngành, các cấp đã quan tâm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài và đạt được những kết quả tích cực. Việc tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã tác động tích cực đến tình hình và kết quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra Chính phủ vào cuộc một cách mạnh mẽ, phối kết hợp với các địa phương Bộ, ngành kiểm tra, rà soát và đề xuất các giải pháp giải quyết cho từng vụ việc cụ thể. Thanh tra các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực tham mưu giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong việc triển khai kế hoạch, nhất là trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện quy trình, hướng dẫn kiểm tra, rà soát và giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài trên địa bàn, góp phần quan trọng vào những kết quả đạt được trong triển khai Kế hoạch.
Hạn chế, nhận thức của một số địa phương về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; mục tiêu, ý nghĩa của việc thực hiện Kế hoạch 1130 chưa đầy đủ dẫn đến sự phối hợp, thực hiện chưa chặt chẽ, kém hiệu quả. Một số địa phương chưa chủ động, có trường hợp thiếu tích cực hoặc chờ đợi cơ quan cấp trên…
Từ đánh giá những ưu điểm cũng như tồn tại hạn chế, rút ra nguyên nhân và một số khó khăn, vướng mắc như sau, các vụ việc tồn đọng phát sinh đã nhiều năm nay và pháp luật điều chỉnh vấn đề này đã có nhiều thay đổi; hồ sơ, tài liệu bị thất lạc hoặc không đủ để làm căn cứ xem xét, giải quyết. Do một số cơ chế, chính sách còn chưa đảm bảo được sự hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế với công bằng và an sinh xã hội nên người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. Do công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo chưa quyết liệt, khi gặp khó khăn còn ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

 

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định các ý kiến phát biểu của đại biểu có trọng tâm, chất lượng. Phần lớn các ý kiến nhất trí với báo cáo do TTCP tổng hợp, đồng thời có nhiều ý kiến làm rõ kết quả và hạn chế, chỉ ra được một số vướng mắc, đề ra giải pháp trong thời gian tới. Công tác chuẩn bị Hội nghị rất chu đáo. Đồng chí Tổng Thanh tra cho rằng quán triệt, triển khai, kết luận Chỉ thị 14 và kế hoạch 1130 được thể hiện bằng nhiều hình thức. Cần tập trung hơn nữa trong việc kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài và đạt kết quả tốt hơn nữa. Phương pháp, cách thức thực hiện có tiến bộ, tạo sự đồng thuận trong thực hiện Chỉ thị 14 và kế hoạch 1130. Chỉ thị 14 và kế hoạch 1130 đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân. Khẳng định chủ trương và biện pháp chỉ đạo là đúng, hợp lòng dân.

Đối với một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Tổng Thanh tra chỉ đạo, cần khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết để phục vụ cho việc sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 130-TB/TW ngày 10/01/2008 của Bộ Chính trị; tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo Sớm ban hành Thông báo chấm dứt đối với các vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý, chấm dứt giải quyết khiếu nại hành chính. Đối với những vụ việc chưa đối thoại với công dân sau khi đã ký biên bản thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương thì cần phân loại theo từng nhóm và xác định lại những vụ việc cần phải tiếp tục đối thoại để tổ chức đối thoại nhằm giải quyết dứt điểm vụ việc. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả giải quyết, đồng thời nghiêm túc triển khai thực hiện phương án giải quyết đã thống nhất đối với các vụ việc đã rà soát, thống nhất. Tập trung giải quyết tiếp những vấn đề, những vụ việc còn lại chưa xong, trong đó có những vụ việc quá phức tạp, bất cập cần xin chỉ đạo xử lý của Thủ tướng Chính phủ sớm nhất.
Về cách thức thực hiện trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kế hoạch và trực tiếp chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thành phố, thị xã chủ động rà soát và tập trung giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; thanh tra tỉnh đóng vai trò tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trong việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố, thị xã thực hiện, đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng để tiến hành kiểm tra, xác minh, tham mưu đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định giải quyết theo thẩm quyền. Quá trình thực hiện cần phải tạo được sự đồng thuận của các cơ quan có liên quan và tăng cường đối thoại với công dân để giáo dục, thuyết phục, giải thích, hướng dẫn pháp luật làm sao cho công dân hiểu rõ và chấp hành pháp luật.
Đối với các vụ việc có tính chất phức tạp hoặc gặp vướng mắc trong áp dụng pháp luật, trong đánh giá, sử dụng chứng cứ, trong xác định phương án giải quyết thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản xin ý kiến hoặc đề nghị các Bộ, ngành chức năng phối hợp. Các Bộ, ngành khi được các địa phương xin ý kiến hoặc đề nghị phối hợp thì cần tạo điều kiện quan tâm và sớm có văn bản. Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng thì Thanh tra Bộ tham mưu giúp Bộ trưởng xem xét, ra quyết định giải quyết theo quy định. Thanh tra Chính phủ sẽ cử cán bộ của Cục I phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố (khi có ý kiến đề nghị phối hợp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) trong quá trình kiểm tra, xác minh, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết các vụ việc có tính chất phức tạp. Cuối cùng, Tổng Thanh tra đề nghị một số Bộ, ngành có liên quan như, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; thi hành pháp luật đất đai (nhất là việc giao đất, thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất);  Bộ Nội vụ hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, chế độ đối với cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáoBộ Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện trong phê duyệt phân bổ kinh phí xây dựng “Cơ sở dữ liệu quốc gia về khiếu nại, tố cáo”.

Cũng tại Hội nghị Tổng kết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Thanh tra đã công bố Quyết định tặng Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ cho những đơn vị đã có thành tích xuất sắc trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp kéo dài, khu vực phía Bắc đó là Thanh tra TP Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hòa Bình, Ninh Bình./.

 Thanh Loan

 


VIDEO