Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Tọa đàm sinh hoạt khoa học

09/06/2016

Ngày 08/6, Viện Khoa học Thanh tra tổ chức tọa đàm sinh hoạt khoa học về chủ đề “Định hướng một số nội dung cần ưu tiên nghiên cứu trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Thanh tra”. Tham dự buổi tọa đàm có Nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào; đại diện thanh tra một số bộ, ban, ngành, địa phương; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP. TS. Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện KHTT chủ trì buổi tọa đàm.

Phát biểu tại buổi tọa đàm TS.Đinh Văn Minh cho biết, hiện nay đã đến biên độ sửa các văn bản luật: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra, Luật PCTN,  do đó cần phải nghiên cứu sửa đổi để hoàn thiện thể chế trong thời gian tới. Cụ thể, việc nghiên cứu cần bám vào những nội dung cơ bản trong Chiến lược phát triển ngành Thanh tra: chuyển sang chức năng giám sát hành chính, tổ chức hệ thống ngành thanh tra theo hướng tập trung... Ngoài ra, để hoạt động nghiên cứu có hiệu quả thì việc đưa ra những định hướng nghiên cứu phải xuất phát từ nhu cầu xây dựng thể chế, nhu cầu hoạt động thực tiễn.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã trình bầy một số tham luận, theo đó TS.Lê Tiến Hào cho rằng, công tác giải quyết KNTC hiện nay đang có nhiều vướng mắc do nhiều vấn đề chưa được quy định trong Luật cũng như văn bản dưới luật. Cụ thể, khi quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần 1, công dân có được khiếu nại lên cấp trên trực tiếp hay không. Việc khiếu nại này được coi là lần 1 hay lần 2. Ngoài ra, một số nội dung trước đây đã đặt ra nhưng chưa được nghiên cứu như chủ thể khiếu nại, tố cáo; đối tượng khiếu nại; thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Về các trọng tâm cần nghiên cứu trong thời gian tới, theo TS.Nguyễn Văn Kim, Quyền vụ trưởng Vụ Pháp chế TTCP cho rằng, cần được tập trung vào một số vấn đề: Nâng cao vị trí, vai trò của các cơ quan thanh tra trong QLNN; phân định thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; xác định vai trò của cơ quan thanh tra trong giám sát hành chính nhằm kiểm soát xung đột lợi ích; xây dựng hoàn thiện mới quan hệ giữa thanh tra với các cơ quan có chức năng kiểm tra, kiểm toán, xét xử, đặc biệt là với cơ quan kiểm tra Đảng; Thẩm định kết luận thanh tra; Vai trò của luật sư trong giải quyết khiếu nại; Tố cáo nặc danh, bảo vệ người tố cáo…

Đối với hoạt động PCTN, Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, TTCP nêu ra vấn đề tham nhũng trong khu vực tư, cụ thể  phạm vi QLNN về PCTN như thế nào đối với khu vực này. Về hoạt động thanh tra trách nhiệm, mặc dù được thực hiện nhiều nhưng hiệu quả không cao do phương pháp triển khai lúng túng, quy trình mang tính nghiệp vụ nhưng lại chuyển sang quy định nội dung, thẩm quyền gây khó khăn trong quá trình triển khai; nội dung thanh tra trách nhiệm chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, một số vấn đề trọng tâm khác về chuyển đổi vị trí công tác; xây dựng quy trình nghiệp vụ xác minh tài sản; xử lý tài sản thông qua bản án hình sự; thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm cũng cần được nghiên cứu sâu hơn./.


VIDEO