Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Thu hồi sau thanh tra: Khó vì thiếu chế tài và cơ chế phối hợp

20/08/2012

Bắc Giang là một trong những địa phương thực hiện tương đối tốt việc thu hồi tiền sai phạm sau thanh tra của 6 tháng đầu năm 2012. Tuy nhiên, theo ông Thân Bá Cường, Chánh Thanh tra tỉnh, thống kê từ các năm trước cho thấy, việc thu hồi tiền đạt kết quả thấp.

Thu hồi chỉ hơn 50%
Từ năm 2009 đến nay, Bắc Giang ban hành 21 quyết định xử lý của Chủ tịch UBND tỉnh và Chánh Thanh tra tỉnh với số tiền phải thu hồi gần 13 tỷ đồng. Tính đến giữa năm 2012, chỉ có 11 quyết định được thực thi, thu hồi được gần 6,7 tỷ đồng (đạt 51,46%). 10 quyết định còn lại chưa thực hiện, tương đương 6,3 tỷ đồng.
Ông Cường cho biết: Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của nhiều đối tượng phải nộp tiền sai phạm chưa cao, chưa tự giác, ngay cả khi đã được đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần. Trong khi đó, chế tài xử lý các đối tượng chậm nộp lại không có nên họ càng chây ỳ... Chưa kể còn thiếu cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước với cơ quan thanh tra trong công tác đôn đốc việc thu hồi tiền sau thanh tra. “Biện pháp đôn đốc thông thường như Luật Thanh tra quy định rất khó thực hiện. Vấn đề phong tỏa tài khoản theo quy định cũng không khả thi vì đối tượng chậm nộp có thể mở nhiều tài khoản khác nhau. Phong tỏa như thế nào phải có quy định cụ thể” - ông Cường nhấn mạnh.
Theo ông Ngô Duy Mai, Phó Chánh Thanh tra tỉnh, nhiều đơn vị khi đụng đến việc thu hồi tiền thất thoát đều viện dẫn rất nhiều lý do như khó khăn trong kinh doanh, thiếu vốn… để cố tình không chấp hành hoặc hoãn việc thực hiện. “Việc chấp hành quyết định xử lý thu hồi số tiền sai phạm qua thanh tra để nộp ngân sách mới chỉ đạt hơn 50% là quá thấp. Số tiền chưa thu hồi chiếm đến gần 50% đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra và ảnh hưởng xấu đến công tác phòng, chống tham nhũng”, ông Mai trăn trở.

Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang cho rằng, Luật Thanh tra năm 2010 đã có hiệu lực pháp luật, Nghị định 86/2011 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra có các điều khoản qui định khá rõ: Điều 5 về bảo đảm thi hành kết luận, quyết định xử lý khi thanh tra đã quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp; Điều 41 quy định yêu cầu các tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng; Điều 53 về trách nhiệm của đối tượng khi thực hiện kết luận thanh tra; Điều 54 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kết luận thanh tra; Điều 57 về việc theo dõi thực hiện kết luận thanh tra... Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành nên trưởng đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chức năng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện có hiệu quả các quyền nêu trên.

4 giải pháp cơ bản
 

Mới đây, Chi bộ Thanh tra tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội thảo bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tiền sau thanh tra. Những giải pháp được ưu tiên thực hiện gồm: Trưởng các phòng nghiệp vụ cần xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung làm việc cụ thể đối với từng đối tượng doanh nghiệp (DN); phân công theo dõi thường xuyên, bám sát đánh giá đúng đối tượng. Qua đó, đề ra những biện pháp tương thích như: Phối hợp với các cơ quan chức năng phong tỏa tài khoản; không cho tham gia đấu thầu; tạm ngừng sản xuất kinh doanh; ngừng cung cấp dịch vụ... để yêu cầu DN nghiêm túc thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Người được giao nhiệm vụ đôn đốc, thu hồi tiền sau thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra cần nắm rõ, phân loại số tiền xử lý sau thanh tra, đánh giá được khoản tiền nào có khả năng thu hồi được ngay, khoản tiền nào chưa, để có biện pháp thu hồi đạt hiệu quả; phải tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chủ quản, các chủ đầu tư nơi có các công trình, dự án do đối tượng bị thanh tra thi công để yêu cầu các đối tượng này thực hiện nghiêm túc các quyết định đã có hiệu lực; cần tham mưu, đề xuất cho Chủ tịch UBND tỉnh khi ban hành quyết định, kết luận xử lý sau thanh tra gắn chặt điều kiện thực hiện nghiêm quyết định, kết luận với các điều kiện tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

Ngoài ra, theo Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Giang, một biện pháp hiệu quả khác là cơ quan thanh tra phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức công khai thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng khi đối tượng chây ỳ, chậm nộp.

 

Theo báo Thanh tra​


VIDEO