Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Quốc hội thảo luận báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng

06/11/2017

Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng. Nội dung này lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp.

Trình bày báo cáo công tác phòng chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2017 đã đạt được kết quả tích cực trên nhiều mặt. Trong thời gian tới, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng sẽ tiếp tục có tác dụng rất lớn trong răn đe, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng; khích lệ các nhân tố tích cực trong phòng, chống tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân.

Báo cáo cho thấy, trong các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2016 hơn 1,113 triệu người; đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai. Số bản kê khai đã công khai hơn, 1,111 triệu bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai.

Có 78 người được xác minh tài sản, thu nhập tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, TP Hà Nội, Yên Bái và Đồng Nai (giảm 81,4%).  Qua xác minh phát hiện và xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Cùng kỳ, năm 2016 đã không phát hiện được trường hợp nào vi phạm. Năm 2017, có 39 trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, tăng 28 người so với năm 2016.

Bên cạnh những kết quả đã được, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, đòi hối lộ vẫn còn xảy ra. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế. Hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra. Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra có nhiều tiến bộ nhưng tỷ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai còn thấp.

Công tác phát hiện, điều tra tội phạm tham nhũng tuy có tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, việc xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở nhiều địa phương chưa có chuyển biến mạnh mẽ và quyết liệt.

Năm 2018, Chính phủ tiếp tục xác định phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Theo đó, sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội, nhất là với các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.

Đẩy mạnh cải cách hành chính; hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, phục vụ; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật về tặng quà, nhận quà, nộp lại quà tặng; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác; minh bạch tài sản, thu nhập; tăng cường thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt; kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, rửa tiền.

Nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, thông qua Luật phòng, chống tham nhũng sửa đổi, Luật tố cáo sửa đổi; chỉ đạo các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm phòng ngừa tham nhũng. Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là giám sát hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng./.


VIDEO