Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với Thanh tra Chính phủ

06/05/2016

Ngày 06/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đoàn công tác của Chính phủ đã đến thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu, các đồng chí Phó tổng Thanh tra cùng đại diện Lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị, trưởng các đoàn thể thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ trân trọng đón tiếp và làm việc với đoàn.​

​Báo cáo kết quả công tác thanh tra năm 2015 và quý I/2016 tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh cho biết, toàn ngành đã triển khai hơn 8 nghìn cuộc thanh tra hành chính, gần 277.600 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm gần 120,8 nghìn tỷ đồng, 18,4 nghìn ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách hơn 24,7 nghìn tỷ đồng và 7 nghìn ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý hơn 96 nghìn tỷ đồng, 11,3 nghìn ha đất; đã kiến nghị xử lý hành chính đối với 1.839 tập thể; xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân 12,1 nghìn tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 72 vụ, 79 đối tượng.

Cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã tiếp hơn 451.000 lượt công dân với 223.800 vụ việc; có 6.080 đoàn đông người, trong đó: Trụ sở tiếp công dân Trung ương đã tiếp 33.753 lượt người, đến trình bày 9.205 vụ việc; có 994 lượt đoàn đông người.

Tiếp nhận, xử lý hơn 277.200 đơn thư, đã giải quyết gần 30.600 vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước và trả lại cho công dân 138 tỷ đồng, 166 ha đất; trả lại quyền lợi cho 2.735 người, kiến nghị xử lý hành chính 534 người; chuyển cơ quan điều tra 18 vụ, 10 người.

Về nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2016, TTCP và ngành Thanh tra tiếp tục tăng cường thanh tra trách nhiệm công tác quản lý nhà nước của các cấp, các ngành trên các lĩnh vực quản lý; chú trọng thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thanh tra lại theo đúng quy định pháp luật. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, trọng tâm là nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị và kết quả thực hiện sau thanh tra; đồng thời thúc đẩy và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Đối với công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật về công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các kế hoạch của TTCP; nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC bảo đảm an ninh, trật tự nhất là trong thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ (2016-2021).

Tăng cường  phối hợp với các cơ quan kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản do tham nhũng; hoàn thành Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN; tham mưu sửa đổi toàn diện, cơ bản Luật PCTN; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về PCTN; tích cực thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng phù hợp với điều kiện của Việt Nam; phát huy, khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tin báo tố giác hành vi tham nhũng; đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN...

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận, biểu dương sự cố gắng và những thành tích của ngành thanh tra trong năm qua. Mặc dù điều kiện công tác của ngành thanh tra có nhiều khó khăn nhưng TTCP đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để cụ thể hoá và triển khai thực hiện ngày càng có hiệu quả. Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh “Hoạt động thanh tra có tiến bộ, đã phát hiện, kiến nghị xử lý được nhiều vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước, trong quản lý kinh tế - xã hội, qua đó, góp phần chấn chỉnh nhiều hoạt động quản lý Nhà nước. Đặc biệt, đã phát huy được vai trò tham mưu triển khai Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết KN,TC, nhất là trong giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, tạo sự chuyển biến tích cực về tình hình KN,TC”,.

Ngành Thanh tra đã tham mưu triển khai các chủ trương, pháp luật về PCTN (tại Nghị quyết Trung ương 3 (Khoá X), Kết luận Trung ương 5 (khóa XI) và Luật PCTN, trong đó, nhiều biện pháp phòng ngừa được triển khai và đang dần đi vào thực tiễn; việc phát hiện, xử lý tham nhũng có tích cực hơn. Từng bước sắp xếp, kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy; tập thể đoàn kết, thống nhất, tận tâm tận lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, cũng theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, mặc dù đạt được nhiều kết quả, song ngành Thanh tra vẫn còn có những tồn tại, hạn chế cần có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục trong thời gian tới như trong công tác thanh tra, việc kết luận còn chậm, kiến nghị xử lý chưa đủ nghiêm, vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc chưa được thanh tra, xử lý kịp thời; xử lý sau thanh tra có tiến bộ hơn trước nhưng kết quả chưa cao. Trong giải quyết KN,TC, còn diễn biến tiềm ẩn phức tạp, tỷ lệ tái khiếu còn cao. Công tác PCTN kết quả đạt được còn khiêm tốn, các biện pháp phòng ngừa chưa phát huy hiệu quả tích cực; số vụ việc tham nhũng phát hiện, xử lý chưa được nhiều.

Bên cạnh đó, tổ chức, bộ máy của TTCP và ngành thanh tra hiện nay còn bất cập, chưa phát huy được chức năng quản lý Nhà nước trong hoạt động thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN. Đội ngũ cán bộ, công chức vẫn chưa ngang tầm nhiệm vụ. Chính sách đãi ngộ cán bộ thanh tra vẫn chưa đáp ứng hết yêu cầu.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, trong thời gian tới, TTCP và ngành thanh tra cần phải phát huy những mặt tích cực, khắc phục những tồn tại; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra, chú trọng đổi mới tổ chức và hoạt động của TTCP, của ngành thanh tra để tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác thanh tra, giải quyết KN,TC, PCTN; bám sát chương trình công tác, tiến hành công việc một cách chủ động, tăng cường phối hợp trong ngành và với các ngành liên quan. Lãnh đạo TTCP chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn gắn với xây dựng lực lượng, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong nội bộ.

Đặc biệt, cần chủ động, kịp thời tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN; khắc phục tình trạng kết luận thanh tra chậm; yêu cầu kết luận chính xác, khách quan; kiến nghị xử lý nghiêm, bảo đảm khả thi. Khi phát hiện dấu hiệu tội phạm thì sớm chuyển cơ quan điều tra; đổi mới công tác tiếp công dân; kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, tồn đọng, kéo dài; kiểm tra, đôn đốc chấn chỉnh và nâng cao trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết KN,TC…
Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã thống nhất với 1 số kiến nghị của Thanh tra Chính phủ như cho lùi thời gian Tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN và trình Chính phủ dự thảo Luật PCTN sửa đổi. Đồng thời yêu cầu ngành thanh tra quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Phó Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, với truyền thống tốt đẹp và sự nỗ lực, cố gắng, TTCP và toàn ngành thanh tra tiếp tục phát huy và hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho.
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh Chính phủ thay mặt lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức người lao động ngành Thanh tra cảm ơn Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã tới thăm, lắng nghe và cho ý kiến chỉ đạo với công việc của ngành thanh tra. Trân trọng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu trong đoàn công tác, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nhấn mạnh, qua các ý kiến đóng góp cùng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ là lời động viên đối với toàn thể cán bộ, công chức ngành Thanh tra trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình. Tổng Thanh tra khẳng định, TTCP sẽ tiếp tục có những đề xuất cùng các giải pháp tốt để góp phần vào phát triển đất nước, toàn ngành Thanh tra sẽ đoàn kết một lòng với quyết tâm chính trị để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao. Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu bày tỏ mong muốn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp tục quan tâm hơn nữa để ngành Thanh tra hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những năm tiếp theo, đồng thời mong muốn có sự phối hợp tốt hơn nữa với các cấp, các ngành để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao phó.

Thanh Loan


VIDEO