Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Nghiệm thu các đề tài khoa học cấp cơ sở

07/01/2013

Ngày 5/1, Viện Khoa học Thanh tra đã tổ chức nghiệm thu các đề tài khoa học cấp cơ sở: “Việc thực hiện các giải pháp trong giai đoạn thứ nhất của chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và những vấn đề đặt ra” do ông Lê Văn Đức, cán bộ Viện Khoa học Thanh tra làm chủ nhiệm Đề tài và đề tài: “Hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành” do bà Nguyễn Thị Hải Yến, cán bộ Vụ Pháp chế cơ quan Thanh tra Chính phủ làm chủ nhiệm đề tài. Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra làm Chủ tịch hội đồng nghiệm thu.

 

 

 

 

 

Đề tài: “Việc thực hiện các giải pháp trong giai đoạn thứ nhất của chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và những vấn đề đặt ra” đã nghiên cứu một số vấn đề chung về việc thực hiện các giải pháp trong giai đoạn thứ nhất của Chiến lược. Tại Chương 1 được thể hiện qua các vấn đề như, quan điểm, mục tiêu, giải pháp cũng như trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ và các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ trong việc thực hiện Chiến lược cũng như theo dõi, đánh giá cùng kế hoạch thực hiện Chiến lược như thế nào. Qua đó, đề tài chỉ ra việc thực hiện các giải pháp trong giai đoạn thứ nhất của Chiến lược và những yêu cầu đặt ra trong việc thực hiện các giải pháp trong giai đoạn thứ nhất của chiến lược được chỉ ra trong đó: Yêu cầu về việc hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể trong kế hoạch thực hiện Chiến lược; Yêu cầu về sự phù hợp với định hướng nội dung trong việc thực hiện các giải pháp của Chiến lược; Yêu cầu về việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện các giải pháp của Chiến lược; Yêu cầu về việc thực hiện theo dõi, đánh giá việc thực hiện các giải pháp nêu trong Chiến lược; Yêu cầu về nguồn lực tài chính, con người; Yêu cầu về thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện Chiến lược. Và nêu ra kinh nghiệm trong tổ chức triển khai chiến lược trong một số lĩnh vực cụ thể như, lập kế hoạch, theo dõi, đánh giá.

 

 

Thực trạng việc thực hiện các giải pháp trong giai đoạn thứ nhất của Chiến lược được nghiên cứu tại Chương 2 của Đề tài. Theo đó, nhìn nhận và đánh giá những kết quả đạt được trong việc thực hiện các giải pháp ở giai đoạn thứ nhất, tác giả chia ra thành các nhóm giải pháp cụ thể về: Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật; Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ; Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng minh bạch; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra giám sát, kiểm toán điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng; Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng...

 
 

Một số định hướng và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp tiếp theo của Chiến lược được nêu tại Chương 3. Đề tài nghiên cứu kiến nghị các vấn đề như là: Thanh tra Chính phủ và VP BCĐ TW về PCTN cần tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về PCTN nói chung và Chiến lược nói riêng; Lãnh đạo TTCP chỉ đạo Cục Chống tham nhũng khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hệ thống các tiêu chí theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chiến lược; TTCP cần tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung của Chiến lược và kế hoạch thực hiện Chiến lược theo từng giai đoạn; Lãnh đạo TTCP chỉ đạo các cục, vụ, đơn vị chức năng chủ động tìm kiếm các đối tác phát triển, các nhà tài trợ nhằm hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ Chiến lược.

 

 

 

Đánh giá nhận xét đối với đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng, đề tài có nhiều ưu điểm, đã nghiên cứu và triển khai theo đúng nội dung cũng như tinh thần định hướng của Luật Phòng, chống tham nhũng. Khẳng định đây là đề tài được nghiên cứu nghiêm túc đạt được những kết quả rất tốt, cập nhật nhiều những văn bản, pháp luật quan trọng, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần vào việc hoàn thiện một số văn bản pháp lý trong việc phòng, chống tham nhũng ở nước ta. Bên cạnh những kết quả đạt được, hội đồng nghiệm thu yêu cầu, đề cần chỉnh sửa một số lỗi về mặt kỹ thuật. Với những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua và đánh giá đề tài xếp loại xuất sắc./.

 
 

Đề tài “Hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành”,  Luật Thanh tra năm 2010 và Nghị định 07/2012/NĐ-CP ngày 9/2/2012 quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành đã xác định cơ quan được giao thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trình tự, thủ tục, hình thức tiến hành. Tuy nhiên, những quy định này ảnh hưởng đến thực tế hoạt động và tổ chức của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành như thế nào là vấn đề cần nghiên cứu, đánh giá và cần hoàn thiện pháp luật về hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành theo định hướng  nào để phù hợp với cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

 
 

Theo đó Chủ nhiệm đề tài cho rằng, việc nghiên cứu thấu đáo và làm sáng tỏ các vấn đề nêu trên là yêu cầu bức thiết nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn về hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; kiến nghị bổ sung, hoàn thiện các quy định về hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ đồng thời phục vụ cho việc tìm hiểu pháp luật hiện hành về hoạt động thanh tra chuyên ngành.

 
 

Đề tài được kết cấu gồm phần mở đầu phần kết luận và 3 chương cụ thể: Chương 1, Một số vấn đề lý luận về thanh tra chuyên ngành, hoạt động thanh tra chuyên ngành của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Chương 2, Thực trạng các quy định pháp luật và thực hiện pháp luật về hoạt động thanh tra chuyên ngành của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Chương 3, Định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

 
 

Đóng góp ý kiến đối với đề tài các thành viên Hội đồng nghiệm thu mong muốn, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần giải quyết một số những vướng mắc trong công tác thanh tra chuyên ngành xuất phát từ yêu cầu thực tiễn qua đó góp phần hoàn thiện pháp luật về thanh tra chuyên ngành. Bên cạnh đó, còn một số nội dung Đề tài cần nghiên cứu thêm. Hội đồng đánh giá các sản phẩm của Đề tài đầy đủ. Đánh giá đề tài đã làm được khá nhiều vấn đề, cũng như cập nhật được nhiều các văn bản và nêu được những khó khăn bất cập trong quá trình hoàn thiện các văn bản pháp luật. Hội đồng nghiệm thu yêu cầu Chủ nhiệm đề tài cần chú ý Chương I, phân tích đặc điểm cần phải cô đọng, nội dung phân tích phải gắn với những kinh nghiệm. Phần kinh nghiệm quốc tế phải gắn với nội dung mà đề tài nghiên cứu qua đó, chỉ ra Việt Nam theo mô hình nào hay không theo mô hình nào. Chương III, phần định hướng, giải pháp đang có nhiều sự vướng mắc về tổ chức, cán bộ, sự chồng chéo… nêu ra được, nhận diện được nhưng Đề tài chưa nêu cụ thể những giải pháp để giải quyết vấn đề. Qua đó, Hội đồng cho rằng, lựa chọn đề tài này để nghiên cứu trong thời điểm này là trúng và cần thiết phải nghiên cứu. Tuy nhiên đề tài còn nhiều lỗi cần phải sửa và một số vấn đề liên quan đến giải pháp, phải chứng minh vấn đề một cách logic. Với những kết quả đạt được, Hội đồng nghiệm thu đã nhất trí thông qua và đánh giá đề tài xếp loại xuất sắc./.

 

 

 
Thanh Loan

 

 


VIDEO