Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Kiên định thực hiện lời hứa trước Quốc hội, trước nhân dân

20/05/2015

Là người nhận được khá nhiều câu hỏi “nóng” trong các phiên chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Khóa XIII đến nay, Tổng Thanh tra Chính phủ được đánh giá là vị Bộ trưởng nghiêm túc thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội, trước nhân dân. Bên thềm kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Tổng Thanh tra đã dành cho phóng viên Báo Thanh tra cuộc trò chuyện.

​Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh ​Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh

Giải quyết trên 96,7% các vụ KN, TC tồn đọng

+ Thưa Tổng Thanh tra, giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo (KN, TC) tồn đọng, kéo dài nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu Quốc hội. Xin Tổng Thanh tra cho biết kết quả cụ thể?

- Thanh tra Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 39 của Quốc hội về nội dung giải quyết KN,TC tồn đọng, phức tạp trong lĩnh vực đất đai; gắn với triển khai đồng bộ các giải pháp trong Chỉ thị 14 của Chính phủ về nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC; và mới đây là tham mưu và  tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết KN, TC.

Trong công tác giải quyết các vụ việc KN, TC tồn đọng, phức tạp, kéo dài, Thanh tra Chính phủ đã quán triệt đầy đủ tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đã chủ động ban hành các kế hoạch và văn bản để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện, nhất là kế hoạch số 1130 ngày 10/5/2012; kế hoạch 2100 ngày 19/9/2013… Quá trình thực hiện các kế hoạch này, Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành (nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để tiến hành kiểm tra, rà soát, thống nhất biện pháp giải quyết, trong đó, có những vụ việc nhiều lần đối thoại với công dân và tạo được sự đòng thuận trong giải quyết. Thanh tra Chính phủ cũng đã tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ chủ trì hàng chục hội nghị trực tiếp và trực tuyến với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố để đánh giá, chỉ đạo giải quyết các vụ việc KN, TC phức tạp, tồn đọng, kéo dài; yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải quán triệt đầy đủ mục đích, ý nghĩa và đề cao trách nhiệm giải quyết KN, TC phức tạp, tồn đọng, kéo dài, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài.

Tính đến nay, các ngành, các cấp đã xem xét, giải quyết được 511/528 vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 1130, đạt tỷ lệ 96,78%. Bên cạnh đó đã rà soát, phân loại để giải quyết 503 vụ việc phức tạp, tồn đọng theo kế hoạch 2100, trong đó có 254 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý (59 vụ việc đã thông báo chấm dứt). Từ nay các ngành các cấp xem công việc này là nhiệm vụ thường xuyên để hạn chế khiếu nại đông người, vượt cấp.

Nhìn chung, các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc triển khai thực hiện kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài và đạt được kết quả khá rõ, qua đó góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về tình hình KN, TC, nhiều điểm nóng và vụ việc lâu năm đã được tập trung giải quyết dứt điểm.  

 + Một trong những giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết KN, TC mà các đại biểu Quốc hội quan tâm là việc đưa các qui định pháp luật vào cuộc sống. Tổng Thanh tra đánh giá về việc này như thế nào?

- Trong lĩnh vực tiếp dân, giải quyết KN, TC, Thanh tra Chính phủ rất quan tâm triển khai thực hiện Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân. Toàn ngành chú trọng tổ chức tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật để đưa Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân vào cuộc sống. Nhưng đây là một trong những nhiệm vụ gặp không ít khó khăn vì điều kiện ngân sách còn hạn chế; trình độ, năng lực cán bộ truyền thụ kiến thức pháp luật về tiếp công dân, KN,TC còn mức độ, nhất là ở cấp cơ sở. Điều này thể hiện rõ nhất là nhận thức pháp luật của công dân đi KN,TC hạn chế, tỉ lệ công dân khiếu nại sai, tố cáo sai còn cao. Đây là một vấn đề mà Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra rất trăn trở.

- Một vấn đề quan trọng là mặc dù có nhiều tiến bộ về ý thức, trách nhiệm nhưng có nơi, có lúc triển khai, đưa pháp luật về tiếp công dân, giải quyết KN,TC vào cuộc sống còn chậm, trách nhiệm đối với công dân chưa cao, chấp hành quy định của pháp luật chưa nghiêm, còn có những trường hợp thiếu sót, vi phạm quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân mà thông qua công tác thanh tra trách nhiệm đã phát hiện và chấn chỉnh được ở nhiều nơi. Tôi cho rằng, để Luật đi vào cuộc sống thì cần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng của Nhà nước và cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Vừa qua, khi Luật tiếp công dân có hiệu lực, tôi và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ, như trong năm 2014  đã tiếp 423 lượt người đến trình bày 16 vụ việc, trong đó có 5 đoàn đông người. Từ đó, qua theo dõi tôi thấy nhiều đồng chí Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã dành thời gian thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân cả định kỳ và đột xuất, nên công tác giải quyết KN,TC có chuyển biến tích cực.

Thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

+ Thưa Tổng Thanh tra, công tác phòng, chống tham nhũng cũng nhận được rất nhiều câu hỏi nóng. Lời hứa này đã được thực hiện như thế nào?

- Thanh tra Chính phủ đã tăng cường thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, vai trò của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra trong công tác này được nâng lên, một mặt Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra làm tốt công tác tham mưu, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức xây dựng kế hoạch phòng, chống tham nhũng, rồi tổng hợp, báo cáo, kiểm tra, đánh giá, chấn chỉnh quản lý, mặt khác, thông qua các hoạt động của mình đã tích cực hơn trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng.  Một trong những điểm được coi là nổi bật là Thanh tra Chính phủ không ngừng hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; ban hành Thông tư quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; Thông tư quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư liên tịch quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng; xây dựng, triển khai Kế hoạch tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng để làm cơ sở cho việc sửa đổi toàn diện Luật phòng, chống tham nhũng. Một vấn đề nữa là để góp phần phòng, chống tham nhũng trong nội bộ ngành, Thanh tra Chính phủ cũng ban hành Thông tư số 05/2011/TT-TTCP ngày 10/01/2011 về phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra…

Tăng cường quản lý nhà nước về thanh tra

+  Công tác thanh tra thì sao, thưa Tổng Thanh tra?

- Thanh tra Chính phủ đã tăng cường quản lý nhà nước về công tác thanh tra; quan tâm hướng dẫn định hướng xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra, gắn với thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật. Năm 2014, toàn ngành đã triển khai 7.072 cuộc thanh tra hành chính và 233.811 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 51.583 tỷ đồng, 1.682,6 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 13.777 tỷ đồng, 1.355,9 ha đất, xử phạt vi phạm hành chính 3.280,5  tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 2.073 tập thể, 15.449 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 55 vụ việc. Ngành thanh tra đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 4.357 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 1.160 tỷ đồng, đạt 69,5%, 1.479 ha đất, đạt 98,3%.

Nhìn vào kết quả trên cho thấy ngành thanh tra phát hiện, xử lý được nhiều vi phạm, hiệu quả, kết quả của hoạt động thanh tra ngày càng được nâng lên. Nhưng điều mà chúng tôi rất trăn trở đó là tình hình vi phạm pháp luật vẫn còn phổ biến, các vụ việc tham nhũng phát hiện qua thanh tra còn ít, việc thu hồi tài sản tham nhũng chưa tốt, tỷ lệ đạt thấp.

Tổng Thanh tra có hài lòng về kết quả thực hiện các lời hứa của mình?

- Cần phải khẳng định rằng ngành thanh tra đã nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn còn có một số hạn chế, tồn tại. Cụ thể như: Việc triển khai Luật Tiếp công dân ở một số địa phương còn chậm, lúng túng; chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân chưa cao; vẫn còn một số địa phương, bộ, ngành lãnh đạo chưa quan tâm đúng mức đến công tác tiếp công dân; xử lý đơn thư còn vi phạm về trình tự, thủ tục, thời gian, hiện tượng chồng chéo, sai sót trong công tác xử lý đơn thư vẫn còn.

Đáng chú ý là số vụ việc KN, TC ở các địa phương giảm trong khi ở các bộ, ngành lại tăng, tình trạng công dân gửi đơn vượt cấp lên Trung ương có xu hướng tăng. Chất lượng giải quyết KN, TC còn có những hạn chế nhất định...

+ Trong thời gian tới, hạn chế này sẽ được khắc phục ra sao, thưa Tổng Thanh tra?

- Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ tiếp tục triển khai các yêu cầu nhiệm vụ đề ra nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ, tích cực về kết quả, hiệu quả trong công tác thanh tra, giải quyết KN, TC, phòng, chống tham nhũng và xây dựng ngành Thanh tra.  

Có nhiều giải pháp được đề ra với lộ trình cụ thể. Có thể điểm qua một số giải pháp cụ thể như: Tiếp tục chỉ đạo toàn ngành Thanh tra tăng cường công tác quản lý Nhà nước và thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KN, TC, phòng, chống tham nhũng. Hoạt động thanh tra tập trung vào các lĩnh vực quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội, những vấn đề bức xúc, những nơi dễ xảy ra vi phạm, để một mặt chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém trong quản lý, một mặt phòng ngừa, phát hiện, xử lý vi phạm, tiêu cực, tham nhũng, mặt khác góp phần bảo vệ lợi ích, tài sản của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, công dân. Ngành thanh tra sẽ chú trọng kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi triệt để tiền, tài sản cho Nhà nước; gắn công tác thanh tra với công tác giải quyết KN,TC và phòng, chống tham nhũng, đồng thời tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Chỉ thị 03 về tiếp tục học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh.

Để có hướng phát triển lâu dài và toàn diện, Thanh tra Chính phủ sẽ báo cáo Đề án Chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035; nghiên cứu việc sửa đổi Luật Thanh tra theo hướng nâng cao tính hệ thống của ngành Thanh tra; tăng thẩm quyền và tính chủ động của cơ quan thanh tra; tăng cường tính tự chịu trách nhiệm, tính tập trung, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành hoạt động thanh tra và xử lý kết quả thanh tra.

+ Xin trân trọng cảm ơn Tổng Thanh tra!            


VIDEO