Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội thảo xây dựng thông tư hướng dẫn theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra

18/03/2012

Trong 2 ngày (16-17/3), tại TP. Đà Nẵng, Văn phòng Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về quy trình theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào chủ trì hội thảo, tham dự có lãnh đạo Sở TN&MT TP. Hà Nội, Thanh tra các tỉnh, TP. từ Nghệ An trở vào Khánh Hoà và khu vực Tây Nguyên.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Lê Tiến Hào đề cập tình hình xử lý sau thanh tra đang là điểm yếu trong công tác quản lý Nhà nước hiện nay, mỗi nơi làm một kiểu nên hiệu quả chưa cao, mặc dù Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra năm 2010 dành hẳn 1 chương quy định rõ về xử lý sau thanh tra. Để khắc phục hạn chế trong việc theo dõi và đôn đốc xử lý sau thanh tra, cần phải xây dựng một Thông tư hướng dẫn thống nhất về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, đang là yêu cầu cấp thiết trong công tác thanh tra hiện nay...

Ông Ngô Đại Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Thanh tra Chính phủ trình bày thuyết minh Dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra và định hướng việc xây dựng Thông tư phải đảm bảo làm rõ được 3 vấn đề: Thứ nhất, Giúp cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành nắm được tình hình thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra. Thứ 2, Giúp cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành đề xuất được các giải pháp thúc đẩy quá trình thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra. Thứ 3, Giúp cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành xác định các hành vi vi phạm và áp dụng hoặc đề xuất áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm về việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý sau thanh tra.
 
 
Các đại biểu đã tập trung phát biểu làm rõ nội dung dự thảo của thông tư và nhấn mạnh đến việc xây dựng thông tư phải đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong thực thi công vụ của ngành Thanh tra. Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định - Nguyễn Văn Tạng nêu trường hợp đối tượng thanh tra tỏ thái độ chây ỳ kéo dài, thì phải có biện pháp mạnh buộc họ phải chấp hành. Quyền hạn của thanh tra cũng cần được nâng lên, như Cơ quan thanh tra được quyền phong toả tài khoản của đối tượng sai phạm tại các ngân hàng … Phó Chánh Thanh tra tỉnh Khánh Hoà-Lê Hữu Trí nêu: Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả thanh tra, cần có những quy định xác định được trách nhiệm của đối tượng thanh tra, thủ trưởng cơ quan Nhà nước cấp trên của đối tượng. Nếu đối tượng thanh tra không thực hiện quyết định xử lý, thì Cơ quan thanh tra có quyền hạn nhất định để xử lý dứt điểm ?.
 
 
Ông Phan Tấn Tuyền - Chánh Thanh tra TP. Đà Nẵng nêu mong muốn của cơ sở là làm thế nào để xử lý sau thanh tra đạt hiệu quả. Hiện tại, sau khi có quyết định xử lý thanh tra thì Cơ quan thanh tra chỉ biết gặp đối tượng động viên, đôn đốc việc thực hiện là chủ yếu. Vì vậy, nếu chưa có chế tài, biện pháp đủ mạnh thì nên có công văn hướng dẫn thực hiện sau thanh tra. Phó Chánh Thanh tra tỉnh Phú Yên - Nguyễn Quốc Khánh thống nhất sự cần thiết phải ban hành thông tư trên, nhưng cần bổ sung, điều chỉnh đối tượng áp dụng mà đối tượng thanh tra là chính….

Phó Tổng Thanh tra đã ghi nhận những ý kiến đóng góp sát thực của các đại biểu và trên cơ sở này, Ban soạn thảo sẽ tổng hợp, chỉnh sửa và trình cấp thẩm quyền ký ban hành trong thời gian đến.

 NAT
 
 

VIDEO