Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội thảo thống nhất đề cương nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở

11/07/2016

Thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2016 của Thanh tra Chính phủ, ngày 8/7, Ban Chủ nhiệm đề tài đã tổ chức hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp để thống nhất đề cương nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở “Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và yêu cầu hoàn thiện pháp luật của Việt Nam”. Th.S Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.

Theo đề cương, đề tài tập trung nghiên cứu các nội dung chính như: Những vấn đề lý luận về phòng ngừa tham nhũng, những quy định về phòng ngừa tham nhũng trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đặt trong việc so sánh, phân tích những vấn đề thiếu hụt hoặc chưa tương thích của pháp luật Việt Nam so với những yêu cầu về phòng ngừa tham nhũng trong Công ước. Từ đó đề ra các giải pháp và kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật của Việt Nam, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, đáp ứng yêu cầu của Công ước.

Theo ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, đề tài cần xác định rõ mục đích, phạm vi và nội dung nghiên cứu cho phù hợp với đề tài cấp cơ sở. Một số ý kiến khác cho rằng, đề tài cần tập trung nghiên cứu sâu vào bốn nhóm nội dung chính liên quan đến các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong Công ước gồm: Quy tắc ứng xử của công chức; công khai minh bạch, chống rửa tiền; mua sắm công và quản lý tài sản công. Từ đó rút ra những vấn đề còn tồn tại, nguyên nhân của những tồn tại trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhằm đảm bảo được cả tính lý luận và thực tiễn. Đồng thời, đưa ra định hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam liên quan đến những yêu cầu về phòng ngừa tham nhũng trong Công ước. Đề tài cần nghiên cứu hướng đến nội dung bộ câu hỏi đánh giá về các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo chu trình 2 đánh giá thực thi Công ước. Một số nội dung được đề cập trong đề tài có tính chất mới, tuy nhiên, những nội dung mới nên ở dung lượng vừa phải, tuy nhiên vẫn phải thể hiện được tính lý luận cơ bản và bám sát vào các biện pháp phòng ngừa tham nhũng theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc.

Cùng ngày, Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp cơ sở “Nguyên tắc trong hoạt động tiếp công dân”  tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến nhằm thống nhất đề cương nghiên cứu. Hội thảo có sự tham dự của toàn thể viên chức Viện Khoa học Thanh tra. CN. Nguyễn Đăng Hạnh, Phòng Nghiên cứu Khoa học, Viện Khoa học Thanh tra chủ nhiệm đề tài, chủ trì Hội thảo.

Theo định hướng nghiên cứu Ban Chủ nhiệm trình bày tại hội thảo, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về nguyên tắc trong hoạt động tiếp công dân; đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm đảm bảo việc thực hiện các nguyên tắc trong hoạt động tiếp công dân. Trên cơ sở mục tiêu nghiên cứu, đề tài triển khai 03 nội dung sau: (1) Những vấn đề lý luận về nguyên tắc trong hoạt động tiếp công dân; (2) thực trạng các quy định và thực hiện các nguyên tắc trong hoạt động tiếp công dân; (3) xây dựng giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nguyên tắc trong hoạt động tiếp công dân.

Thảo luận góp ý kiến với đề cương nghiên cứu đề tài, các đại biểu cho rằng, đề tài cần làm rõ mục đích và bản chất của hoạt động tiếp công dân; bổ sung quyền con người trong tiếp công dân; biên tập lại phần nội dung cơ sở hình thành nguyên tắc trong  hoạt động tiếp công dân.

Đối với nội dung thực trạng các quy định và thực hiện các nguyên tắc trong hoạt động tiếp công dân, đề tài nên đề cập tới việc triển khai nguyên tắc trong từng giai đoạn; xác định rõ nguyên tắc chủ đạo, xuyên suốt trong quá trình tiếp công dân. Phần giải pháp, kiến nghị, bám sát nội dung ở phần thực trạng để đưa ra các giải pháp mang tính khả thi nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nguyên tắc trong hoạt động tiếp công dân.

Với các ý kiến đóng góp của các đại biểu tham dự, Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tiếp thu và chỉnh sửa nhằm hoàn thiện đề cương nghiên cứu của đề tài./.


VIDEO