Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội thảo lấy ý kiến góp ý nội dung dự thảo cuốn lịch sử thanh tra Việt Nam 1945- 2015

24/07/2015

Ngày 24/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ phối hợp với Viện Sử học Việt Nam tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý vào nội dung cuốn lịch sử Thanh tra Việt Nam 1945-2015 dưới sự chủ trì của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh. Tham dự hội thảo có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng; đồng chí Đinh Quang Hải, Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam; các đồng chí nguyên là Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (giai đoạn 2010-2015), Tiểu ban Nội dung, Ban Chỉ đạo biên soạn cuốn Lịch sử Thanh tra Việt Nam, đại diện cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và đại diện Thanh tra một số bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý kiến về nội dung cuốn Lịch sử Thanh tra Việt Nam (1945-2015), trọng tâm là Chương VI, về tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra trong giai đoạn tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển (2011-2015). Trong đó các đại biểu tập trung vào một số nội dung thể hiện tính chính xác của những sự kiện, những tư liệu, dữ liệu, số liệu được lựa chọn được thể hiện trong bản thảo; tính khách quan, logic của những nhận định, đánh giá về các lĩnh vực hoạt động của ngành Thanh tra và Thanh tra Chính phủ thời kỳ 2011-2015; kết cấu, dung lượng, tên gọi của Chương mới (Chương VI - thời kỳ 2011-2015). Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động cũng như sự nhận thức, trải nghiệm của mình, đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến cho nội dung cuốn Lịch sử Thanh tra Việt Nam, giúp việc chỉnh sửa, bổ sung lịch sử ngành Thanh tra đảm bảo trung thực, khách quan, phản ánh đúng quá trình hình thành, phát triển của Ngành, nêu bật được truyền thống vẻ vang và những thành tựu, kết quả nổi bật của toàn Ngành đạt được trong suốt 70 năm qua.

Phát biểu góp ý kiến tại hội thảo, các đại biểu cho rằng đây là dự thảo lần đầu phản ánh giai đoạn quan trọng mà ngành Thanh tra có nhiều đổi mới, nhất là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành góp phần đổi mới nhiều phương diện. Tài liệu chuẩn bị công phu với nội dung phong phú, đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực của Viện Sử học cùng các tác giả. Theo đó, quan điểm tiếp cận đã thể hiện tính lịch sử, mang khái quát có sự phân tích và thể hiện được ý nghĩa, tầm quan trọng trong bối cảnh chung của đất nước. Song, nhiều nội dung phản ánh còn chồng chéo, chưa chặt chẽ, logic, câu chữ nhận định cần được nghiên cứu thêm. Kết cấu chi tiết từng phần có những điểm chưa phù hợp, một số nội dung chưa chính xác; xây dựng hoàn thiện thể chế nên bám vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan để trình bày; việc trích dẫn nội dung văn bản cần nêu các điểm nhấn, quan trọng; các hoạt động thanh tra còn hạn chế, nên kết cấu theo cách đánh giá kết quả thanh tra và nêu một số cuộc thanh tra điển hình; có nhiều điểm chưa chắt lọc được nội dung chính; có những điểm nhấn về thanh tra quốc phòng, an ninh, thanh tra phát triển kinh tế xã hội nông nghiệp phát triển nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu xã hội để thấy được vai trò, vị trí của ngành Thanh tra, tạo nên những điểm nhấn giúp xã hội hiểu đầy đủ hơn về ngành; mối quan hệ giữa TTCP với bộ, ngành, địa phương cần được thể hiện rõ nét hơn.

Viện trưởng Viện Sử học Đinh Quang Hải cảm ơn TTCP đã tổ chức hội thảo cùng các ý kiến phát biểu của các đại biểu góp ý cho dự thảo. Cho rằng dự thảo còn nhiều vấn đề cần chỉnh sửa do đó, Viện Sử học tiếp thu toàn bộ các ý kiến đồng thời mong muốn các đại biểu tiếp tục gửi ý kiến góp ý để hoàn chỉnh bản dự thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng, đây là bước đưa ra bản thảo với hơn 200 trang, qua đó thể hiện sự cố gắng của Viện Sử học trong quá trình biên soạn. Đây là bản thảo tập hợp tư liệu, nhiều vấn đề đã được nhấn mạnh nhất là bối cảnh và nội dung. Song bản thảo chưa thể hiện rõ nét các vấn đề nhất là những đánh giá mang tầm vóc 70 năm  ngành Thanh tra. Bên cạnh đó, sự kết nối giữa các giai đoạn ra sao cũng cần được chú ý thêm. Về quy mô, Viện Sử học cần tính toán cho phù hợp nhằm đảm bảo cân đối, logic, nhất là việc xác định bối cảnh cần sát với Luật thanh tra 2010. Về nội dung, cần giảm bớt tiểu tiết mà tiếp thu các ý kiến của đại biểu về phần đánh giá. Đối với từng nội dung chi tiết nên chú ý thành 3 nhóm chính đó là kinh tế ngành; kinh tế tổng hợp; văn hóa, xã hội và bổ sung về thanh tra quốc phòng, an ninh.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cảm ơn các ý kiến góp ý của các đại biểu để Viện Sử tiếp tục biên soạn giúp cuốn Sử ngành Thanh tra đạt yêu cầu. Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, về mặt bố cục cần cô đọng lại tránh dài dòng, chi tiết thể hiện tính khái quát không nên tiểu tiết vụn vặt; lấy phạm vi toàn ngành Thanh tra trong đó Thanh tra Chính phủ làm trụ cột; bổ sung nội dung thanh tra quốc phòng, an ninh; bối cảnh cần sát thực tế hơn; bản thảo hiện tại còn thiếu một số vấn đề về xử lý sau thanh tra; kết quả phát hiện vi phạm, xử lý vi phạm và các dạng vi phạm phổ biến giai đoạn hiện nay. Về công tác tiếp công dân, cần thiết nêu số liệu của toàn ngành bên cạnh đó công tác tham mưu và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thể hiện ra sao nên cụ thể hơn; xây dựng hoàn thiện thể chế trong chức năng, nhiệm vụ của ngành Thanh tra thể hiện vai trò như thế nào; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật được thực hiện ra sao; công tác xây dựng ngành và các sự kiện diễn ra trong giai đoạn này cũng cần được lưu ý; công tác đào tạo bồi dưỡng, việc chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương nhất là học tập làm theo tấm gương Bác và Nghị quyết Trung ương 4 cần được nhấn mạnh.

Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu, về mặt thời gian ngày 21/9/2015 Thanh tra Chính phủ tổ chức 70 năm thành lập Ngành do đó phải hoàn thiện cuốn sử trước ngày 15/9. Viện Sử học phối hợp với Ban Chỉ đạo biên soạn cùng các cục, vụ, đơn vị trong Thanh tra Chính phủ để hoàn thiện./.

Thanh Loan

VIDEO