Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội thảo góp ý Kế hoạch Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Thanh tra giai đoạn 2013 – 2015

01/12/2012

Trong hai ngày 30/11 và 01/12/2012, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức hội thảo góp ý đối với Kế hoạch Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Thanh tra giai đoạn 2013 – 2015. Đồng chí Hoàng Thái Dương, Vụ trưởng Vụ tổ chức Cán bộ, Thanh tra Chính phủ đã tới dự và phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hữu Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các đoàn đại biểu đến từ Thanh tra tỉnh Quảng Bình, Vĩnh Phúc, Gia Lai, An Giang, Hải Phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và đại diện các đồng chí lạnh đạo thuộc cục, vụ đơn vị thuộc cơ quan Thanh tra Chính phủ.

Thực hiện Quyết định số 1241/QĐ-TTg ngày 22/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2015, gắn với đặc điểm cụ thể của ngành Thanh tra. Thanh tra Chính phủ xây dựng Kế hoạch Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Thanh tra giai đoạn 2013 – 2015 với một số nội dung.

Trong đó, mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và vật chất của phụ nữ; tạo điều kiện phát huy mọi tiềm năng, nâng cao vai trò, vị trí và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng… phấn đấu đến năm 2015, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội.

 Mục tiêu cụ thể đó là: Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; Nâng cao chất lượng nguồn lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Bảo đảm bình đăng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
 Theo các mục tiêu đó, Kế hoạch cũng xây dựng các giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược trong đó, giải pháp chung chính là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, các cấp ủy Đảng, các cục, vụ, đơn vị, Thanh tra các Bộ, ngành, địa phương đối với công tác bình đẳng giới. Đồng thời nêu ra những giải pháp cụ thể theo năm mục tiêu trên. Và Kế hoạch cũng xây dựng các vấn đề liên quan tới việc tổ chức thực hiện. 
 
Phát biểu các ý kiến với Hội thảo, đại biểu đến từ Hải Phòng chia sẻ 10 vấn đề còn khó khăn trong công tác bình đẳng giới nói chung và khó khăn của nữ giới nói riêng. 
Đại biểu đến từ Lạng Sơn cho rằng, phong tục vùng miền cùng những đặc thù của địa phương cũng ảnh hưởng không nhỏ tới công tác bình đẳng giới. Tuy nhiên vượt qua mọi khó khăn, Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng rất quan tâm tới công tác này và quan tân tới đội ngũ cán bộ là nữ. Riêng ngành Thanh tra Lạng Sơn đã chú trọng tới công tác phát triển đội ngũ nữ cán bộ quản lý. Đại biểu tỉnh Lạng Sơn chia sẻ thêm đó là, góc độ khó khăn nhất của phụ nữ thường là ở góc độ gia đình, bởi người phụ nữ luôn chọn gia đình nếu đặt lên bàn cân với sự nghiệp.  
 
 
Chia sẻ đóng góp ý kiến với Hội thảo, đại diện đến từ Trường Cán bộ Thanh tra, đại biểu Trương Thị Kim Dung cho rằng, sự quan tâm cùng những ghi nhận những đóng góp của phụ nữ của cấp ủy Đảng, đơn vị là điều rất quan trọng. Ở góc độ gia đình, gia đình luôn phải là điểm tựa là hậu phương vững chắc thì bản thân người phụ nữ mới có thể phát triển được. Bởi có nhiều những quyết định của người phụ nữ mang tính mạo hiểm khi cân đong chọn gia đình hay chọn vị thế, chọn công việc. Đại biểu Trương Thị Kim Dung nhấn mạnh, người phụ nữ làm được mười mà được ghi nhận hai hay ba phần đó là một sự hạnh phúc. Đồng thời, người phụ nữ muốn phát triển cũng cần có môi trường tốt, và người phụ nữ cần có sự cảm thông và chia sẻ từ gia đình, đồng nghiệp một cách thực sự có như vậy người phụ nữ mới có điểm tựa có bệ đỡ để phát triển.
 
Đại diện phát biểu ý kiến đoàn đại biểu Thanh tra tỉnh Gia Lai cho rằng, người phụ nữ phải vượt lên sự tự ti và phải đi vào thực tiễn công việc. Phụ nữ muốn có vị thế phải có nhiều hơn sự nỗ lực, không nên đợi vào sự ghi nhận của người khác, tự bản thân phải tạo vị thế cho mình. Thanh tra Gia Lai luôn quan tâm tới việc quy hoạch cán bộ nữ nhưng sự tạo điều kiện đó phải đi liền với sự phấn đấu và nỗ lực của bản thân người phụ nữ.
 

Tại Hội thảo có rất nhiều sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của các đại biểu bày tỏ nhất trí với Kế hoạch Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Thanh tra. Đồng thời, các ý kiến đã thể hiện tính đa dạng và đặc thù của mỗi đơn vị, mỗi địa phương trong công tác này. Có những sự phản biện đối với các ý kiến nhưng đây được đánh giá chính là thể hiện sự quan tâm của ngành Thanh tra tới công tác bình đẳng giới./.

 
Thanh Loan
 

VIDEO