Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội thảo Đề tài khoa học “Thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước từ thực tiễn hoạt động của Thanh tra Chính phủ trong thời gian qua”

11/07/2016

Thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước là trách nhiệm của các cơ quan thanh tra được pháp luật quy định. Trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra và đã đạt được những kết quả tích cực, song hoạt động thanh tra trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của cơ quan Thanh tra vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như chưa xác định rõ nét trọng tâm phạm vi, nội dung để thanh tra, chưa xác định trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị hay vấn đề chồng chéo, trùng lắp giữa hoạt động thanh tra với kiểm toán trong hoạt động thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Từ yêu cầu của thực tiễn, đề tài khoa học cấp cơ sở “Thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước từ thực tiễn hoạt động của Thanh tra Chính phủ trong thời gian qua” do bà Đậu Thị Hiền - Chuyên viên, Viện Khoa học Thanh tra đề xuất được đưa vào kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2016 của Thanh tra Chính phủ. Để triển khai niệm vụ nghiên cứu đề tài, ngày 08/7, Ban Chủ nhiệm đề tài tổ chức Hội thảo định hướng các nội dung nghiên cứu. Tham dự Hội thảo có đại diện một số Cục, Vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Viện KHTT. 

Tại hội thảo, Ban Chủ nhiệm đề tài nêu định hướng nghiên cứu bao gồm các vấn đề: Nêu lý luận cơ bản về thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tổng hợp, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế từ thực tiễn hoạt động thanh tra của Thanh tra Chính phủ đối với quản lý, sử dụng tài sản nhà nước từ năm 2011 đến nay… Từ đó, đề tài đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thanh tra việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các cơ quan thanh tra.

Theo định hướng nghiên cứu, phát biểu ý kiến góp ý đa số đại biểu cho rằng, đề tài có kết cấu hợp lý, có tính logic giữa các vấn đề được ra về chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong thời gian tới, các ý kiến cho rằng, ở phạm vi đề tài cơ sở, cần chú trọng đến việc nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hơn là nghiên cứu định hướng của Đảng và Nhà nước về vấn đề này.

Cùng ngày, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cơ sở  “Thanh tra nhân dân trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập   tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến nhằm hoàn thiện các nội dung nghiên cứu. Hội thảo có sự tham dự của toàn thể viên chức Viện KHTT. ThS.Vũ Đức Hoan- Chuyên viên, Viện Khoa học Thanh tra chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.

Theo chủ nhiệm đề tài, hầu hết các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập đều có tổ chức Ban Thanh tra nhân dân nhưng hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị này đa số chưa xây dựng được chương trình công tác, còn lúng túng về nội dung và hình thức tổ chức giám sát. Ngoài ra, không ít đơn vị chưa tạo điều kiện cho Ban TTND hoạt động. Do vậy, thực tế phần lớn các Ban Thanh tra nhân dân ở các cơ quan, đơn vị nhà nước chỉ tồn tại trên danh nghĩa, mang tính hình thức.

Xuất phát từ thực trạng trên, mục tiêu nghiên cứu của đề tài là nhằm làm rõ bản chất và đặc điểm của hoạt động thanh tra nhân dân trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; phân tích kết quả thực hiện giám sát của TTND trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp. Trên cơ sở đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm hoàn thiện khung pháp lý để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức này.

Cơ bản nhất trí với cách tiếp cận các vấn đề cần nghiên cứu, song một số ý kiến đại biểu cho rằng, đề tài cần đi theo hướng làm rõ bản chất, đặc điểm của hoạt động TTND trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; cơ sở pháp lý của hoạt động TTND tại các cơ quan, đơn vị  này; phân tích, đánh giá mức độ cần thiết của việc thành lập Ban TTND trong các cơ quan hành chính hiện nay. Bên cạnh đó, đề tài cần đưa ra tiêu chí với cơ quan, đơn vị nào thì thành lập và duy trì hoạt động của Ban TTND.

Ngoài ra, ý kiến của các đại biểu cũng cho rằng, đề tài cần giải quyết sâu hơn về mặt lý luận để trả lời cho câu hỏi sự cần thiết tồn tại hoạt động của Ban TTND dù thực tế hoạt động này không hiệu quả. Theo đó, những vấn đề về cơ cấu hoạt động của Ban TTND; sự khác nhau giữa phạm vi giám sát của Ban TTND đối với các cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập là những nội dung chính cần phải được làm rõ để trả lời cho câu hỏi trên. Về phần giải pháp, đề tài cần đưa ra các giải pháp về mặt pháp luật và giải pháp về tổ chức thực hiện.

Trên cơ sở các ý kiến được đưa ra, Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa các nội dung nghiên cứu để hoàn thiện đề tài./.

Thanh Loan

 


VIDEO