Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội thảo “ Đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm tốt về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong ngành Thanh tra”.

12/03/2012

Ngày 10/3/2012 tại Hà Nội, Vụ Tổ chức Cán bộ đã tổ chức hội thảo về “ Đánh giá và chia sẻ kinh nghiệm tốt về phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng trong ngành thanh tra”.

Chủ trì cuộc hội thảo có đồng chí Ngô Văn Cao, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, đồng chí Ngô Văn Cường, Phó Vụ trưởng vụ Tổ chức Cán bộ. Tham dự hội thảo còn có các đồng chí Phí Ngọc Tuyển, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, đồng chí Văn Tiến Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế; các đồng chí Chánh, Phó Chánh thanh tra tỉnh; Chánh, Phó Chánh thanh tra các sở, huyện, thị xã thuộc 9 tỉnh: Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Sơn La, Hưng Yên, Cao Bằng, Hoà Bình.

Sau khi nghe đồng chí Ngô Văn Cường trình bày đề dẫn nội dung hội thảo; đồng chí Phí Ngọc Tuyển phổ biến, quán triệt nội dung cơ bản của Thông tư số 05/2011/TT-TTCP ngày 10/01/2011 của Thanh tra Chính phủ quy định về phòng, chống tham nhũng trong ngành Thanh tra; đồng chí Văn Tiến Mai trình bày báo cáo đánh giá tổng hợp kết quả thực hiện Quy chế kiểm tra, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra. Qua trao đổi và thảo luận, nhìn chung, các đại biểu thanh tra các tỉnh, thành đều cho rằng Quy chế giám sát Đoàn thanh tra là cần thiết trong công tác quản lý của thủ trưởng cơ quan, của người ra quyết định thanh tra, góp phần nâng cao trách nhiệm của Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn, đẩy nhanh tiến độ các cuộc thanh tra. Tuy nhiên, các nội dung báo cáo, kết quả giám sát còn hạn; báo cáo giám sát chủ yếu chỉ đề cập về việc chấp hành trình tự, thủ tục, thời gian… của Đoàn thanh tra. Các đại biểu cũng thống nhất quan điểm việc lựa chọn người giám sát cần có trình độ chuyên môn, am hiểu về các lĩnh vực, nội dung đoàn thanh tra, phải có kinh nghiệm công tác trong ngành Thanh tra. Ở cấp huyện, do số lượng đơn thư nhiều, trong khi biên chế ít, thậm chí có nơi chỉ có 04 công chức thanh tra, vì vậy, khi tổ chức Đoàn thanh tra thì việc thực hiện Quy chế giám sát, kiểm tra là một vấn đề hết sức khó khăn. Các đại biểu cũng đề nghị, Quy chế giám sát, kiểm tra Đoàn thanh tra cần quy định rõ thêm về việc trong trường hợp nào thì người ra quyết định thanh tra bắt buộc phải có quyết định phân công công chức giám sát Đoàn thanh tra để có cơ sở triển khai thống nhất trong toàn ngành.
 

Về vấn đề chuyển đổi vị trí công tác, đa số các đại biểu đều nhất trí đây là một trong những công cụ hữu hiệu để phòng ngừa tham nhũng trong ngành Thanh tra. Tại hội thảo các đại biểu đã trao đổi, làm rõ thêm khái niệm chuyển đổi vị trí công tác để tránh lẫn lộn với các khái niệm luân chuyển, điều động cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời chia sẻ phương pháp thực hiện chủ yếu là phân công lại địa bàn, lĩnh vực theo dõi quản lý nhà nước của cán bộ thanh tra để vừa phòng ngừa tham nhũng, vừa tránh được những xáo trộn về tổ chức cán bộ trong nội bộ các cơ quan thanh tra nhà nước.

Kết thúc buổi hội thảo, đồng chí Ngô Văn Cao xin cảm ơn và tiếp thu ý kiến tham luận, đóng góp của các đại biểu nhằm chia sẻ kinh nghiệm tốt giữa các cơ quan thanh tra nhà nước trong hoạt động phòng, chống tham nhũng. Đối với một số kiến nghị của các đại biểu tại hội thảo, Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Thanh tra Chính phủ để xem xét, hướng dẫn cũng như sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp trong thời gian tới./.

Thanh Xuân - Mai Hoa


VIDEO