Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội nghị truyền thông về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước của Việt Nam

10/09/2012

Ngày 07/9 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) phối hợp với Cơ quan thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị truyền thông về Báo cáo quốc gia thực thi Công ước của Việt Nam. Đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, đồng chí Trần Đức Lượng, Phó tổng Thanh tra Chính phủ, Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam đồng chủ trì Hội nghị cùng tham dự có đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam, đại diện UNDP/UNODC, đại diện các nhà tài trợ, các tổ chức, đại diện các bộ, ngành, cơ quan thông tấn báo chí và đại diện lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc TTCP.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó tổng Thanh tra Trần Đức Lượng chia sẻ, thực hiện trách nhiệm của một quốc gia thành viên Công ước, Việt Nam đã khẩn trương xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước trên cơ sở trả lời đầy đủ 185 câu hỏi của Bảng danh mục tự đánh giá. Tháng 6/2012, Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước của Việt Nam và Báo cáo đánh giá của Nhóm chuyên gia quốc tế Li- Băng, Italia đối với Báo cáo quốc gia của Việt Nam đã được đệ trình tới Ban thư ký, Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước tại trụ sở LHQ. Tại Hội nghị, Việt Nam đã được đánh giá là quốc gia xây dựng Báo cáo tốt.

Bên cạnh đó đồng chí Trần Đức Lượng cũng chia sẻ thêm, Hội nghị Truyền thông về Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước lần này, đại diện các cơ quan hữu quan sẽ trình bày các báo cáo, tham luận tập trung vào một số nhóm vấn đề liên quan tới Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước của Việt Nam. Trên cơ sở đó các đại biểu quốc tế chia sẻ quan điểm, bình luận và thực tiễn công tác PCTN tại Việt Nam trong thời gian qua. Sau ý kiến bình luận của TTCP và các tổ chức của LHQ, các nhà tài trợ quốc tế cùng trao đổi về những thách thức và vấn đề liên quan tới thực thi Công ước, nhu cầu, khả năng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam trong thực thi Công ước giai đoạn tiếp theo.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Văn, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, TTCP, giới thiệu về quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước và Quy chế phối hợp thực hiện Công ước của LHQ về chống tham nhũng; Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP trình bày tham luận về những nội dung cơ bản của Báo cáo quốc gia và đánh giá của chuyên gia quốc tế đối với Báo cáo quốc giá thực thi Công ước LHQ về chống tham nhũng của Việt Nam; một số nội dung về hỗ trợ kỹ thuật trong thời gian tới. Theo đó:

Việt Nam được lựa chọn đánh giá trong chu trình đầu tiên vào năm 2011. Ở chu trình này việc đánh giá tập trung vào các quy định tại Chương III về Hình sự hóa và thực thi pháp luật, Chương IV về Hợp tác quốc tế. Kết quả tự đánh giá cho thấy, Việt Nam đã đáp ứng tương đối, đầy đủ các yêu cầu của Công ước trong nội dung, phạm vi Chu trình đánh giá đầu tiên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã nhận diện được một cách cụ thể các nội dung còn chưa phù hợp và những khó khăn thách thức thách thức đặt ra trong việc đáp ứng đầy đủ, toàn diện hơn các yêu cầu của Công ước, đặc biệt là hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực hình sự, tố tụng hình sự và tương trợ tư pháp.

Phát biểu tại Hội nghị, Điều phối viên LHQ tại Việt Nam bà Pratibha Mehta đánh giá Chính phủ Việt Nam đã tổ chức tốt quá trình xây dựng Báo cáo quốc gia, đáp ứng tốt yêu cầu của Cơ chế đánh giá. Bà Mehta cho biết “LHQ đặc biệt chú ý hỗ trợ kỹ thuật cho các lĩnh vực liên quan đến báo cáo công khai, khuyến khích sự tham gia của xã hội dân sự; các hoạt động để thu thập, trao đổi, phân tích thông tin về tham nhũng”.

Cũng tại Hội nghị, ông Bryan Fornari, Phó Ban Hợp tác phát triển của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ Việt Nam trong việc tổ chức xây dựng Báo cáo. Ông cho rằng Báo cáo quốc gia là kết quả tự đánh giá của Chính phủ và thông tin về các công cụ và văn kiện pháp lý về phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng những thách thức trong tương lai dành cho Việt Nam liên quan đến vấn đề thực thi pháp luật.

Phát biểu Bế mạc Hội nghị, đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Tổng TTCP Việt Nam cho biết: Việc xây dựng Báo cáo quốc gia thực thi Công ước là một việc làm mới đối với Việt Nam. Với trách nhiệm của một quốc gia thành viên Công ước, Việt Nam đã khẩn trương tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng xác định đây là cơ hội quan trọng để các cơ quan chức năng rà soát lại toàn diện hệ thống pháp luật và thực tiễn công tác PCTN của Việt Nam. Nhân dịp này, đồng chí Huỳnh Phong Tranh gửi lời cảm ơn đến các cơ quan bộ, ngành của Việt Nam, các cơ quan của LHQ như UNDP, UNODC, các nhà tài trợ, các đối tác phát triển như Liên minh Châu Âu, Thụy Điển, Đan Mạch, các chuyên gia trong nước và quốc tế; các cơ quan thông tấn báo chí và một số các cơ quan, tổ chức khác đã hợp tác hiệu quả trong việc thực hiện Công ước và xây dựng Báo cáo quốc gia trong thời gian vừa qua./.

 

Thanh Loan – Thanh Xuân
 

VIDEO