Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình xây dựng báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng

09/08/2012

Ngày 8/8, tại Quảng Ninh, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức Hội nghị đánh giá, rút kinh nghiệm quá trình xây dựng báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Phó tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng chủ trì hội nghị với sự tham dự của đại diện thanh tra các bộ ngành, và Thanh tra tỉnh Quảng Ninh cùng đại diện cán bộ các cục, vụ, đơn vị thuộc cơ quan TTCP.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trần Đức Lượng khẳng định, với mục đích tổng kết bài học kinh nghiệm từ thành công và cả những hạn chế trong phối hợp thực hiện Công ước thời gian qua, Hội nghị này có ý nghĩa quan trọng, giúp chúng ta phối hợp tốt hơn các hoạt động liên quan tới thực thi Công ước trong giai đoạn tới. Trước mắt, các ý kiến góp ý tại Hội nghị này sẽ giúp hoàn thiện các tài liệu phục vụ  Hội nghị truyền thông Báo cáo quốc gia thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 22/8/2012 tới đây. Để Hội nghị đạt được kết quả cao, đồng chí đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề và các ý kiến đóng góp này Tổ thực thi Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và nhóm chuyên gia sẽ nghiêm túc tiếp thu để tổ hợp và đóng góp thiết thực cho việc xây dựng Báo cáo.

Hội nghị đã được nghe tham luận Báo cáo tổng hợp đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác xây dựng Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước do đồng chí Nguyễn Quốc Văn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, TTCP trình bày; tham luận Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện giai đoạn 1 Kế hoạch thực thi công ước do đồng chí Lê Quang Hà, Phó Cục trưởng, Cục IV, TTCP trình bày; tham luận Báo cáo kết quả hội nghị Nhóm chuyên gia đánh giá thực thực thi Công ước tại Viên (Áo) tháng  6/2012; Một số nội dung cơ bản trong đánh giá của chuyên gia quốc tế đối với Báo cáo quốc gia thực thi Công ước của Việt Nam do đồng chí Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Chống tham nhũng, TTCP trình bày. 

Ngày 27/7/2012, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 31/2012/QĐ-TTg về việc ban hành Quy chế phối hợp thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2012. Theo đó, Hội nghị cũng được nghe đồng chí Nguyễn Quốc Văn thông báo về Quyết định này và giới thiệu Quy chế phối hợp  hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. 

Quyết định trên cũng nêu rõ về trách nhiệm thi hành đó là, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. 

Quy chế phối hợp thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng gồm có 3 chương với 15 điều. Trong đó, Chương I, Quy định chung; Chương II, Nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp thực hiện công ước; Chương III, Tổ chức thực hiện quy chế.

Phát biểu tại Hội nghị đồng chí Trần Đức Lượng cho rằng, các tham luận đa số đã nêu được các vấn đề về mặt được, chưa được, phương hướng tới đây chúng ta phải làm gì. Bên cạnh đó việc ra đời được Quy chế phối hợp thực hiện Công ước là cả một quá trình bởi có nhiều ý kiến khác nhau. Vấn đề thu hồi tài sản là mục tiêu của Công ước, tới đây Bộ Tư pháp cho ý kiến thảo luận thật sâu để tham mưu với Chính phủ.

Qua nghe các tham luận, phát biểu tại Hội nghị các đại biểu đóng góp một số ý kiến như sau: Nên chủ động giao nhiệm vụ ngay từ ban đầu đồng thời chủ động giúp cho đơn vị chuẩn bị nội dung làm việc với tổ chuyên gia cho đỡ lúng túng; Mặc dù 2015 mới là thời điểm để thực hiện công việc báo cáo quốc gia nhưng TTCP đã tổ chức Hội nghị này thể hiện sự quan trọng và cần thiết nhưng cũng cần phải có sự thống nhất trong cách hiểu vấn đề và phân công cụ thể đối với các đơn vị liên quan. Cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất là trong việc đưa ví dụ minh họa và ví dụ này cần được hiểu là thực trạng thực thi công việc này ở nước ta như thế nào; Chúng ta phải đưa ra ví dụ cụ thể, xây dựng phần mềm về mẫu câu hỏi cũng cần phải có sự thống nhất. Những câu hỏi khó cần đưa cho nhiều bộ nhiều ngành rà soát để có được chất lượng cao. Nên có sự chỉ định những cán bộ tham gia nhất định ngay từ đầu. Việc xây dựng báo cáo đánh giá như hiện nay có thể đánh giá là đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Chúng ta có nhiều kết quả trong việc xây dựng thể chế nhưng mặt thực thi vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong thời gian tới để làm tốt hơn công tác này cần tăng cường hơn nữa những hội nghị hội thảo xin ý kiến các chuyên gia, TTCP cần tăng cường hơn vai trò chủ động được giao, những vấn đề còn băn khoăn cần lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành và địa phương cũng như ý kiến đóng góp của nhóm chuyên gia./.

Thanh Loan

VIDEO