Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Cuộc họp điều phối nhà tài trợ cho công tác PCTN

21/08/2017

Ngày 21.8, tại Tp. Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ các hoạt động của Nhóm công tác về Chống tham nhũng và Đảm bảo minh bạch (ACTWG) tại Kỳ Hội nghị các quan chức cao cấp lần thứ 3 của APEC (SOM 3), Thanh tra Chính phủ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ tổ chức cuộc họp điều phối hỗ trợ công tác phòng chống tham nhũng (PCTN). Tham dự cuộc họp có đại diện các nền kinh tế thành viên APEC; Ban thư ký APEC; đại diện một số tổ chức quốc tế. Đoàn Việt Nam gồm các đại biểu đến từ Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ban Nội chính Trung ương; Ủy ban kiểm tra Trung ương; Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Viện KSNDTC, Tòa án NDTC, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Hải quan, Thanh tra Chính phủ.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch ACTWG, thay mặt cho Nhóm công tác bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ cho sáng kiến cuộc họp điều phối hỗ trợ công tác PCTN và những nỗ lực để thực hiện thành công cuộc họp lần này.

Việc hỗ trợ kỹ thuật cho công tác PCTN đã được chứng minh là một công cụ hết sức cần thiết nhằm tăng cường hiệu quả của những nỗ lực quốc gia và của khu vực trong việc nâng cao hiệu quả quản trị, tăng cường liêm chính và đảm bảo minh bạch. Bên cạnh đó, việc thực hiện thành công Công ước LHQ về CTN cũng gặp phải thách thức đối với các quốc gia thành viên, đồng thời đòi hỏi phải có những chuyển biến đáng kể trong nhiều lĩnh vực. Sau khi các quốc gia hoàn thiện đánh giá việc thực hiện Công ước đã đặt ra nhiều nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật. Việc hỗ trợ kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu của các quốc gia thành viên là một yếu tố hết sức quan trọng đối với việc thực thi thành công Công ước. Trong các hội thảo diễn ra gần đây trong khuôn khổ SOM 3 APEC, các nền kinh tế thành viên đã chỉ ra nhiều thách thức  trong hợp tác quốc tế nhằm thu hồi tài sản tham nhũng cũng như các nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật khác.


Theo đó, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh bày tỏ tin tưởng rằng, cuộc họp  sẽ có nhiều ý kiến thảo luận chất lượng để tìm ra phương thức hỗ trợ nhau trong đấu tranh PCTN cũng như tìm ra các kênh hỗ trợ kỹ thuật hiệu quả. Chủ tịch ACTWG hi vọng sau cuộc họp này các nhà tài trợ quốc tế sẽ tích cực ủng hộ, hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tư vấn cho các nền kinh tế thành viên nhằm xác định hiệu quả những nhu cầu của mỗi nền kinh tế trong việc giải quyết những tồn tại hạn chế để vượt qua các thách thức và đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của nhà tài trợ.

Nội dung cuộc họp sẽ diễn ra làm ba phiên. Cụ thể, Phiên 1: Tổng quan về những ưu tiên tăng cường năng lực về phòng, chống tham nhũng; Phiên 2: Tham luận của các cơ quan tăng cường năng lực PCTN; Phiên 3: Thảo luận nhóm về các cơ hội tăng cường năng lực cho các vấn đề ưu tiên.

Tại cuộc họp các đại biểu được nghe các diễn giả đến từ Cơ quan Liên hợp quốc về Phòng, chống tội phạm và ma túy (UNODC); Nhóm công tác phòng, chống rửa tiền của Châu Á - Thái Bình Dương (APG); Sáng kiến Pháp quyền, Hiệp hội Luật sư Hoa kỳ (ABA ROLI);  Cơ quan Quản trị hành chính công Mexicô; Văn phòng Công tố Chilê và Ủy ban Chống tham nhũng Indonexia trình bày các bài tham luận.

Tại phiên thảo luận nhóm, đại diện Việt Nam tham gia trình bầy một số đề xuất cho nhu cầu hỗ trợ kỹ thuật. Trong đó, nhấn mạnh đến nhu cầu hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm và nguồn lực để tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật thanh tra và xây dựng Luật thanh tra mới; cung cấp Luật mẫu và các thực tiễn tốt/bài học kinh nghiệm trong việc thu hồi tài sản tham nhũng ở nước ngoài; hình sự hoá tội phạm tham nhũng của pháp nhân; hình sự hoá tội phạm làm giàu bất hợp pháp; tội phạm rửa tiền; cung cấp các khóa tập huấn, đào tạo, tăng cường năng lực cho đơn vị tình báo tài chính, các cơ quan: ngân hàng nhà nước, công an, kiểm sát, Tòa án để phát hiện, điều tra các vụ việc rửa tiền... Đại diện Việt Nam nêu đề xuất, các nhu cầu này có thể được thực hiện dưới các hình thức hỗ trợ ưu tiên như nghiên cứu, khảo sát, thu thập thông tin đầu vào để soạn thảo văn bản pháp luật; tổ chức các cuộc trao đổi chuyên gia; tổ chức các hội thảo trong nước; tham gia các Hội thảo, tập huấn quốc tế; tư vấn trong nước hoặc nước ngoài./.

PV

 

VIDEO