Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Cụ Hồ Tùng Mậu- Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên

04/06/2020

Đến cuối năm 1949, cục diện đất nước đã có nhiều thay đổi đòi hỏi phải đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Nhận thấy Ban Thanh tra Đặc biệt không còn phù hợp với giai đoạn lịch sử này nữa, Chính phủ đã quyết định thành lập một Ban Thanh tra mới để thống nhất hoạt động thanh ra trong cả nước. Ngày 18/12/1949, Chủ tịch Hồ Chí minh ký Sắc lệnh số 138b-SL lập Ban Thanh tra Chính phủ trực thuộc Phủ Thủ tướng và cũng trong ngày này, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 138c-SL cử các vị sau đây vào Ban Thanh tra Chính phủ: Tổng Thanh tra: cụ Hồ Tùng Mậu Tổng Thanh tra phó: ông Trần Đăng Ninh Thanh tra: ông Tô Quang Đẩu Với Sắc lệnh này, cụ Hồ Tùng Mậu trở thành vị Tổng Thanh tra Chính phủ đầu tiên của Ngành Thanh tra

Cụ Hồ Tùng Mậu người làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An có tên khai sinh là Hồ Bá Cự, khi xuất dương sang Thái Lan hoạt động mới mang tên Hồ Tùng Mậu và trở thành tên gọi chính thức đến khi qua đời. Ông còn mang nhiều bí danh như: Ích, Lương Tử Anh, Phan Tái, Hồ Mộng Tống, Hồ Quốc Đống. Khi hoạt động ở Hải Phòng thường mang bí danh Ích.

Hồ Tùng Mậu xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa cử, truyền thống yêu nước. Ông nội là Hồ Bá Ôn, đỗ phó bảng, làm quan đến chức án sát tỉnh Nam Định và đã anh dũng hi sinh khi quân Pháp tấn công tỉnh này vào năm 1883. Cha của ông là Hồ Bá Kiện, nhà nho yêu nước, tham gia Hội Duy Tân, bị bắt giam ở Lao Bảo, cùng một số đồng chí định khởi nghĩa phá nhà lao, địch bao vây bắn chết; Mẹ là bà Phan Thị Liễu cũng dòng dõi nho gia, đã đem con côi theo trường Đông Kinh nghĩa thục ở Quỳnh Đôi của các thầy Hồ Phi Thống, Hồ Phi Khoan, những nho sĩ tiến bộ của làng học Quỳnh Đôi. Hoàn cảnh gia đình, quê hương, xã hội đã sớm hun đúc tinh thần yêu nước cách mạng, căm thù đế quốc. Được sự giúp đỡ của mấy gia đình yêu nước ở quê cuối tháng 4/1920, Hồ Bá Cự từ giã vợ, con nhỏ cùng Lê Văn Phơn (Hồng Sơn) Ngô Quốc Chính sang Thái Lan, rồi 3 tháng sau được sang Trung Quốc tìm gặp các nhà cách mạng Xứ Nghệ đang hoạt động ở đây là Phan Bội Châu, Hồ Ngọc Lãm v.v... Nhưng chỉ gặp được Hồ Ngọc Lãm, nhờ tìm nơi học, nơi kiếm sống. Ở Quảng Châu, Hồ Tùng Mậu xin được vào học trường điện tín. Lúc ấy, các cuộc vận động cách mạng của người Việt ở Quảng Châu khá phân tán, tư tưởng của hai phái già, trẻ lại càng phân tán hơn. Trước tình hình không lợi ấy, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn lập ra Tâm Tâm xã, tập hợp số thanh niên hăng hái kiên quyết cùng chí hướng, hy sinh quyền lợi cá nhân, cùng nhau mưu đồ giải phóng dân tộc. Mùa xuân năm 1924, Hồ Tùng Mậu về nước, trở lại Quỳnh Lưu, Yên Thành hoạt động với tên Phan Tái. Tháng 11/1924, nhóm Tâm Tâm xã được Nguyễn Ái Quốc giúp đỡ chuyển hướng hoạt động, xây dựng tổ chức cách mạng theo đường lối đúng đắn. Tháng 6/1925, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn giúp Nguyễn Ái Quốc xây dựng Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội trong đó có cộng sản đoàn gồm 5 người, Hồ Tùng Mậu cùng tham gia.

Tháng 12-1927, Hồ Tùng Mậu cùng một chiến sĩ Thanh niên Cách mạng đồng chí hội tham gia khởi nghĩa Quảng Châu nên lại bị bắt giam, đến cuối thu năm 1929 mới được tha. Thời gian ở tù, Hồ Tùng Mậu được bầu vắng mặt làm uỷ viên chấp hành Tổng bộ Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tại Đại hội Đại biểu lần thứ I của tổ chức này. Tháng 6/1931, ông lại bị bắt tại Thượng Hải do đế quốc Anh-Pháp liên kết thực hiện. Chúng giải về giam ở nhà lao Hoả Lò,Hà Nội. Toà án Nghệ An kết án tử hình lần thứ 2, do kháng cáo chúng phải sửa xuống án tù chung thân. Từ 12/1931 đến tháng 3/1945 Hồ Tùng Mậu được chuyển qua các nhà tù Vinh, Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Mê Thuột... cuộc sống tù đày cơ cực chỉ tôi luyện thêm tinh thần lạc quan, hun đúc khí tiết, tình đồng chí, nghĩa đồng bào ở người cộng sản chân chính. Lợi dụng phát xít Nhật đảo chính Pháp, ông cùng các tù chính trị trốn khỏi căng an trí Trà Khê tỉnh Phú Yên trở về quê hoạt động tại cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ. Sau khởi nghĩa được giao nhiều nhiệm vụ: Phụ trách trường quân chính Nhượng Bạn, Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Liên khu IV, Uỷ viên thường vụ Liên khu uỷ, Tổng thanh tra Ban thanh tra Chính phủ, Hội trưởng Hội Việt Hoa hữu nghị.
Ngày 18 tháng 12 năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ban Thanh tra Chính phủ và cử ông giữ chức vụ Tổng Thanh tra. Đầu năm 1950, Hội Việt - Hoa hữu nghị được thành lập, ông được bầu làm Hội trưởng đầu tiên của Hội. Tại Đại hội Đảng lần thứ II vào tháng 2 năm 1951, ông được bầu là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ngày 23 tháng 7 năm 1951, ông hy sinh trên đường đi vào Liên khu IV công tác, do bị máy bay Pháp bắn trúng tại Phố Còng, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi được tin ông hy sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và tự tay viết Lời điếu viếng ông, trong đó có đoạn: "Chú Tùng Mậu ơi! Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng? Về tình nghĩa riêng - tôi với chú là đồng chí, lại là thân thiết hơn anh em ruột. Khi hoạt động ở đất khách quê người, khi bị giam ở lao tù đế quốc, khi tranh đấu ở nước nhà… đã bao phen chúng ta đồng cam cộng khổ như tay với chân". "Mất chú, đồng bào mất một người lãnh đạo tận tụy, Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết! Mấy nguồn thương tiếc! Mấy nguồn thương tiếc cộng vào một lòng tôi….

Năm 2008, ông được truy tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nhà nước Việt Nam.

Tên ông được đặt cho nhiều đường phố và trường học tại Việt Nam

Hội nghị toàn quốc lần thứ III của Đảng (từ ngày 21/01/1950 đến ngày 03/02/1950) Cụ Hồ Tùng Mậu và một số đại biểu chụp ảnh kỷ niệmHội nghị toàn quốc lần thứ III của Đảng (từ ngày 21/01/1950 đến ngày 03/02/1950) Cụ Hồ Tùng Mậu và một số đại biểu chụp ảnh kỷ niệm


VIDEO