Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ

02/11/2017

Ngày 2/11, Viện Khoa học Thanh tra (KHTT), Thanh tra Chính phủ tổ chức Tọa đàm sinh hoạt khoa học “Công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ”. TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện KHTT chủ trì Tòa đàm.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu chia sẻ về những vấn đề như: Quan niệm truyền thông nhà nước; vai trò, ý nghĩa của truyền thông nhà nước nói chung và công tác truyền thông của Thanh tra Chính phủ (TTCP) nói riêng; phương thức thực hiện của truyền thông nhà nước; bối cảnh, yêu cầu mới đặt ra cho công tác truyền thông của cơ quan TTCP.

Bên cạnh đó, nội dung về thực tế quy định và thực hiện công tác truyền thông của cơ quan Thanh tra Chính phủ thời gian qua; bài học kinh nghiệm từ công tác truyền thông của một số cơ quan nhà nước hay một số giải pháp, kiến nghị nhằm đổi mới công tác truyền thông của cơ quan TTCP thời gian tới cũng được các đại biểu thảo luận.

Theo Nhà báo Hoàng Nghĩa Nhân, Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, hiện nay công tác truyền thông rất quan trọng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tầm nhìn của lãnh đạo các đơn vị đối với công tác tuyên truyền, nếu công tác truyền thông được coi trọng thì việc hỗ trợ trong công tác chính sách, cơ chế sẽ tốt hơn. Đặc biệt, đối với ngành Thanh tra, qua công tác truyền thông sẽ giảm thiểu được những hiểu lầm trong quá trình thanh tra xử lý, giải quyết những vụ việc khiếu nại, tố cáo.

Ông Vũ Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế chia sẻ từ thực tế công tác truyền thông tại Bộ Y tế, cần phải đưa ra một hệ thống văn bản chỉ đạo rõ ràng để các cơ quan cấp dưới dựa vào đó để làm truyền thông. Hàng năm, Bộ Y tế cũng đã phải cập những thay đổi của truyền thông, chủ động truyền thông, chủ động hợp tác với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, tạo điều kiện cho báo chí hành nghề và đặc biệt cần phải gỡ bỏ tâm lý sợ truyền thông.

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Tổng Thư ký Tòa soạn Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ nhận định, truyền thông hiện nay phải nhanh và đặc biệt không né tránh. Hiện, các cơ quan báo chí chính thống cũng đang chịu những áp lực nặng nề. Đơn cử cơ quan truyền thông tại cơ quan Thanh tra Chính phủ nếu không nhanh hơn mạng xã hội cũng sẽ bị chỉ trích. Chủ động ở đây cũng phải gắn liền với trách nhiệm, hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ và cơ quan báo chí, hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau. Trong thời buổi công nghệ như hiện nay, cần ứng dụng công nghệ vào truyền thông.

Tại Tọa đàm, đại diện Tạp chí Thanh tra cũng chia sẻ, từ những kinh nghiệm làm việc thực tế nhận thấy, truyền thông theo khái niệm rộng ko đơn thuần là cung cấp thông tin, mà nhằm thỏa mãn yêu cầu hành động và suy nghĩ của mình. Các cơ quan nhà nước mới chỉ coi truyền thông là phương tiện cung cấp thông tin mà chưa phát huy được các hiệu quả khác của công tác truyền thông. Có nhiều ý nghĩa của công tác truyền thông, ngoài việc tuyên truyền, công tác truyền thông còn giúp cơ quan nhà nước nhận ra được các thiếu sót, hạn chế hay công chúng thông qua truyền thông để tố giác, góp ý…

Để xây dựng chính sách truyền thông hiệu quả, mỗi cơ quan đơn vị dựa vào chức năng của mình, gắn liền với các đối tượng truyền thông, thông qua công tác truyền thông để tuyên truyền về hoạt động, kế hoạch của ngành; nêu gương điển hình tiên tiến trong công tác hay giải trình trước công chúng trong trường hợp có sai phạm hoặc định hướng dư luận về hoạt động của Ngành./.


VIDEO