Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Bộ trưởng Vương Đình Huệ thừa nhận khâu thanh tra, kiểm tra có hạn chế

18/01/2012

Chiều ngày 17/1, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã giao lưu trực tuyến với nhân dân qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Sự quan tâm của người dân tập trung vào việc tăng giá điện; chỉ đạo, điều hành chính sách tài khóa; thu chi ngân sách; vấn đề thuế, quản lý giá cả, thị trường…

Giá điện năm 2012 tiếp tục tăng 
- Xin Bộ trưởng khẳng định lại con số phần trăm tăng giá các mặt hàng khác khi tăng giá điện? Cơ sở nào để tính ra con số đó, điều đó có thực tế không? Trong năm 2012, dự kiến giá điện sẽ tăng khoảng bao nhiêu, thưa Bộ trưởng? 

+ Tôi nghĩ, câu hỏi này cũng là câu hỏi chung của nhiều người dân. Việc tính tăng giá của các mặt hàng, cụ thể là điện đến các mặt hàng khác phải dựa vào định mức kinh tế - kỹ thuật của nhiều ngành.

Các cơ quan chuyên môn tính toán rằng, khi giá điện tăng sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) qua 2 vòng. Vòng một là qua chi phí trực tiếp, theo con số thống kê, cứ tăng 1% giá điện thì tác động tới 0,0246%. Như vừa rồi, giá điện tăng 5% thì tác động tới CPI 0,153%. Tác động tại vòng 2 gấp khoảng 2 lần vòng 1, có nghĩa là giá điện tăng 1% thì tác động tăng 0,0492% CPI. Tính cả vòng 1 và vòng 2, giá điện tăng 5% khiến CPI tăng khoảng 0,369%.

Giá điện năm 2012 về cơ bản đáp ứng được giá thành kế hoạch, phân bổ thêm 1 phần lỗ của năm 2011, cũng như đáp ứng được một phần giá bán than sẽ được điều chỉnh 80% so với hiện nay. Với tinh thần đó, giá điện sẽ tăng nhưng mức tăng sẽ phải tính toán kỹ và vẫn phải thực hiện 2 mục tiêu: Một là đến năm 2013,  thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội là các mặt hàng điện, xăng dầu, than và một số dịch vụ công về cơ bản thực hiện theo nguyên tắc thị trường; hai là kiềm chế lạm phát dưới 1 con số, cụ thể là Chính phủ đã đặt mục tiêu khoảng 9%.

Thanh tra tất cả các đầu mối xăng dầu và đầu mối bán điện giá cao cho EVN 

+ Bộ trưởng đã thực hiện được những tuyên bố “minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp” như thế nào, nhất là đối với lĩnh vực nhạy cảm như quản lý giá xăng dầu, than và điện? Bao giờ mới có thị trường cạnh tranh thực sự đối với các mặt hàng trên?

- Bộ Tài chính nhấn mạnh rất rõ về minh bạch trong thực hiện Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu và Quyết định 24 của Thủ tướng về kinh doanh điện theo nguyên tắc thị trường. Sắp tới, chúng tôi vừa kiên trì thực hiện Nghị định 84, vừa xem xét nghiên cứu sửa đổi bổ sung một số vấn đề cần thiết như chu kỳ để tính điều chỉnh tăng hoặc giảm giá với thời gian sẽ ngắn hơn, phù hợp với diễn biến của giá thế giới. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện thêm công thức tính giá cơ sở, có thể đưa lãi định mức ra khỏi công thức tính giá cơ sở để bảo đảm sự minh bạch về lỗ lãi. 

Với thông tư về quỹ bình ổn giá giá xăng dầu, hiện Bộ Tài chính đang phối hợp với các bộ, ngành để nghiên cứu sửa đổi theo hướng Luật Giá hiện nay quy định, bảo đảm tính công khai, minh bạch, Nhà nước quản lý được quỹ bình ổn giá này, phục vụ các mục tiêu bình ổn giá xăng dầu.

Chúng tôi muốn nói thêm, bên cạnh công khai minh bạch chính sách, Nhà nước cũng yêu cầu minh bạch công khai chi phí, giá thành của tất cả các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Năm 2012, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước để tiếp tục thanh tra, kiểm tra giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nhạy cảm này. 

Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của Tổng Công ty Xăng dầu - Petrolimex. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN. Đối với Thanh tra Bộ Tài chính, chúng tôi chỉ đạo thanh tra tất cả các đầu mối xăng dầu còn lại, cũng như các đầu mối bán điện giá cao cho EVN để làm rõ cơ cấu chi phí, giá thành trong kinh doanh điện lực cũng như xăng dầu, phân tích kỹ nguyên nhân khách quan, chủ quan làm tăng giá thành theo nguyên tắc Nhà nước, nhân dân chỉ chấp nhận bù đắp cho các doanh nghiệp những chi phí thực sự khách quan.

+ Vừa qua, các cơ quan thanh tra, quản lý giá phát hiện được rất ít hành vi sai phạm, chỉ đến khi báo chí phản ánh mới vào cuộc như trường hợp giá thuốc chữa bệnh, giá sữa bột nhập khẩu... Đâu là nguyên nhân và làm thế nào để người tiêu dùng tránh được những thiệt hại do giá của các mặt hàng tăng bất hợp lý ? 

- Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá theo nguyên tắc bù đắp chi phí và có lợi nhuận cho các doanh nghiệp. Nhà nước quản lý chủ yếu bằng việc ban hành chính sách, thanh tra, kiểm tra. Hiện nay, không chỉ Bộ Tài chính mà Bộ Công thương, UBND các tỉnh, thành phố cũng thường xuyên kiểm tra, thanh tra trong mọi thời điểm, nhất là các thời điểm nhạy cảm như Tết hay các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, qua đó phát hiện nhiều vi phạm về giá. Tất nhiên, cũng có trường hợp phải qua báo chí, qua dư luận mới phát hiện được. Đúng là khâu thanh tra, kiểm tra thời gian qua vẫn có hạn chế. Tiếp thu ý kiến độc giả, định hướng chính sách của Bộ Tài chính trong năm 2012 là tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra giá để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 9%. 

Chuyển giá, lãi thật, lỗ giả là một thực trạng 

+ Một số tổng công ty và các đơn vị thành viên đã thực hiện hành vi chuyển giá hoặc như các doanh nghiệp FDI kinh doanh lãi nhưng lại khai lỗ để trốn thuế. Bộ Tài chính đã giải quyết vấn đề này như thế nào ? 

- Tình trạng chuyển giá, lãi thật, lỗ giả của không ít doanh nghiệp FDI là một thực trạng được nghe nói nhiều. Sai phạm này liên quan đến 3 khâu. Một là, việc định giá doanh nghiệp để góp vốn liên doanh liên kết, thuộc trách nhiệm chính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hai là, định giá các phát minh sáng chế, trách nhiệm chính liên quan đến Bộ Khoa học và Công nghệ và chủ đầu tư. Còn khâu giữa là việc khai giá vật tư đầu vào, đầu ra thì diễn ra trong suốt quá trình kinh doanh, trách nhiệm thuộc về Bộ Tài chính. Bộ đã giao cho cơ quan Thuế, thanh tra kiểm tra gắt gao và tiến hành nhiều cuộc kiểm tra. 

Từ năm 2010 - 2011, thanh tra hơn 1.400 doanh nghiệp báo lỗ có dấu hiệu chuyển giá, xử lý giảm lỗ đến hơn 5.827 tỷ đồng. Năm 2011, phát hiện tăng 2,5 lần so với 2010 và cơ quan Thuế đã truy thu, xử phạt 1.861 tỷ đồng, tăng 4 lần, giảm khấu trừ thuế 102 tỷ đồng. Hiện chúng tôi giao cơ quan Thuế hoàn thiện Đề án Chống chuyển giá và gian lận hạch toán trong doanh nghiệp nói chung, kể cả doanh nghiệp trong nước. 

+ Năm 2012, mục tiêu giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8%, trong tình hình nhiều doanh nghiệp thua lỗ, phá sản như hiện nay thì các khoản thu ngân sách sẽ giảm đi rất nhiều, cùng với đó, đầu tư công vẫn rất lớn nên mục tiêu đặt ra như vậy là rất khó thực hiện?  

- Nhiệm vụ kéo bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% là rất khó khăn. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP và giảm bội chi, chúng ta phải hết sức coi trọng việc nâng cao hiệu quả đầu tư công, coi trọng yếu tố tăng năng suất lao động xã hội trong tăng trưởng GDP. Với nguồn vốn như cũ hoặc thấp hơn, nhưng nếu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tính toán tốt “ra tấm ra món”, phát huy được hiệu quả nhanh thì chưa chắc kết quả đã kém hơn. Bên cạnh đó, cần tăng cường thắt chặt chi tiêu theo hình thức tiết kiệm điện, nước, vật tư tiêu hao trong quản lý hành chính, cương quyết không bố trí các khoản chi ngoài dự toán, chỉ trừ những trường hợp đặc biệt liên quan đến an ninh - quốc phòng, ứng phó thiên tai, an sinh xã hội…Và một giải pháp nữa là chống thất thu thuế. 

Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Về thắt chặt chi tiêu, trong năm 2011, đã cắt giảm 81.500 tỷ đồng chi tiêu công, tiết kiệm khoảng 10% chi thường xuyên, tương đương hơn 3.900 tỷ đồng. Toàn bộ số này được sử dụng cho nhu cầu an sinh xã hội và các yêu cầu bức thiết khác.

Khi tổng kết Nghị quyết 11, phát hiện một số bộ, ngành, địa phương sử dụng không đúng 2.450 tỷ đồng xây dựng cơ bản, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cương quyết thu hồi để dành cho các nhu cầu đầu tư khác.

Theo Báo Thanh tra

VIDEO