Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận, xử lý 936 đơn thư KNTC về quyền sở hữu công nghiệp

14/09/2012

So với các bộ, ngành khác, lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ không xuất hiện các điểm nóng về khiếu nại, tố cáo, phức tạp, kéo dài mà chỉ tập trung KNTC liên quan tới việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp và kiến nghị xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Trong năm 2012 (từ 15/8/2011-15/8/2012), Bộ đã nhận được 1399 đơn KNTC, qua phân loại có 936 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ và các cơ quan thuộc bộ. Đến nay, Thanh tra Bộ và các cơ quan thuộc bộ đã giải quyết xong 280 vụ trên tổng số 882 vụ khiếu nại. Còn lại 602 vụ việc đang được xem xét giải quyết do bên khiếu nại đề nghị cung cấp thêm chứng cứ, tài liệu hoặc đề nghị sửa nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu trong quá trình giải quyết khiếu nại. Về giải quyết tố cáo, đã giải quyết xong 23 vụ trên tổng số 54 vụ, còn lại 31 vụ đang được xử lý.

Nhìn chung, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được Bộ và các cơ quan thuộc bộ thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình. Tuy nhiên, do nội dung đơn thư tập trung chủ yếu vào vấn đề liên quan đến xác lập và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp. Đây là một lĩnh vực có tính chất chuyên môn sâu và nhiều vụ việc có yếu tố nước ngoài nên việc thẩm tra, xác minh, đánh giá tính chất các vụ việc là rất phức tạp, đòi hỏi rất nhiều thời gian. Do đó, việc áp dụng chung các quy định của Luật KN, TC để giải quyết các vụ việc này rất khó thực hiện, vẫn còn nhiều vụ phải vượt quá thời gian theo quy định.

Thực tế, việc giải quyết KNTC của Bộ đang gặp một số vướng mắc như: Luật Khiếu nại quy định đối tượng áp dụng chỉ là cơ quan, tổ chức và cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam. Thực tế có nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài nộp đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp tại Việt Nam mà không có văn phòng đại diện hoặc trụ sở tại Việt Nam. Họ thực hiện các thủ tục khiếu nại đối với việc từ chối bảo hộ các đối tượng đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ thông qua các đại diện sở hữu công nghiệp. Trong khi các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia trong lĩnh vực này không có các quy định riêng về trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại đối với người nộp đơn nước ngoài, cần phải áp dụng các quy định của luật quốc gia để các đối tượng này có thể thực hiện quyền khiếu nại như người nộp đơn trong nước. Điều này phù hợp với nguyên tắc đối xử quốc gia và đãi ngộ tối huệ quốc theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Vậy nếu căn cứ theo Luật Khiếu nại thì những đối tượng  nộp đơn xác lập quyền sở hữu công nghiệp mà không có trụ sở hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam sẽ giải quyết như thế nào.

 
 

Đăng Khoa


VIDEO