Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Bài phát biểu của Ủy viên BCH TW Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh tại Đại hội Đảng bộ Thanh tra Chính phủ lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020

11/07/2015

 - Thưa Đoàn chủ tịch Đại hội!   - Thưa Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực, Đảng Ủy khối các cơ quan Trung ương! - Thưa Đại hội! Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thanh...

 - Thưa Đoàn chủ tịch Đại hội!  

- Thưa Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực, Đảng Ủy khối các cơ quan Trung ương!

- Thưa Đại hội!

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thanh tra Chính phủ lần thứ XXII diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực thi đua hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011-2015 và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI để hướng đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Ngành Thanh tra cũng đang ra sức thi đua, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành.

Nhân dịp này Thay mặt BCS Đảng và Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, tôi nhiệt liệt chào mừng các đại biểu dự Đại hội; chúc các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc; chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

Thưa Đại hội!

Trước hết, tôi rất hoan nghênh sự chuẩn bị chu đáo của Đảng uỷ Thanh tra Chính phủ cho Đại hội này. Tôi cho rằng, quá trình chuẩn bị Đại hội, các đồng chí đã phối hợp chặt chẽ và rất tốt với BCS Đảng, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ và Thủ trưởng các đơn vị, nên công tác chuẩn bị cho đại hội rất thuận lợi và đạt chất lượng tốt.

 

Tôi hoàn toàn nhất trí và đánh giá cao bản Báo cáo chính trị báo cáo kiểm điểm do Đảng uỷ khoá XXI chuẩn bị và trình bày tại Đại hội này. Báo cáo này được chuẩn bị công phu, đã đánh giá đúng tình hình thực hiện nhiệm vụ của Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua, khẳng định các thành tựu và cũng mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra các ưu, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm; đồng thời cũng xác định được phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới với tinh thần quyết tâm, đoàn kết, đổi mới và phát triển ngành thanh tra.

Qua ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí thay mặt Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương, với trách nhiệm Bí thư BCSĐ, Tổng Thanh tra Chính phủ, là Lãnh đạo cơ quan Thanh tra Chính phủ, tôi xin có một số ý kiến góp ý về báo cáo, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau đây:

           Thưa các đồng chí!

Kiểm điểm nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Thanh tra Chính phủ có nhiều trưởng thành. Từ một Đảng bộ cấp cơ sở, đã được nâng lên Đảng bộ cấp trên cơ sở. Các tổ chức Đảng và cấp uỷ Đảng các cấp thuộc Đảng bộ được kiện toàn, tạo nên một tập thể lớn mạnh. Cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ, tổ chức và hoạt động của Thanh tra Chính phủ có bước phát triển tốt. Những kết quả đó đã được thể hiện đầy đủ trong báo cáo chính trị của Đại hội này. Tôi xin nhấn mạnh một số chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng ủy giữ vai trò nòng cốt cùng với Ban Cán sự lãnh đạo thực hiện trong nhiệm kỳ vừa qua đó là:

1. Trong công tác thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã tập trung thanh tra công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế xã hội trên nhiều lĩnh vực, qua thanh tra phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, trong đó, đã phát hiện vi phạm 72.288 tỷ đồng, 10.745 ha đất; kiến nghị thu hồi 22.410 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm, xử lý nhiều tập thể, cá nhân vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 46 vụ việc. Việc xử lý sau thanh tra được tăng cường, đạt kết quả tiến bộ rõ rệt so với nhiệm kỳ trước, nâng tỷ lệ từ dưới 30% đến nay lên gần 70% (năm 2014).

2. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm đổi mới và đạt được có nhiều kết quả tốt, tạo được sự chuyển biến tích cực về tình hình khiếu nại, tố cáo, trong đó, đã tổ chức tiếp 123.481 lượt công dân, 2.693 lượt đoàn đông người; tiếp nhận, xử lý 72.556 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; kiểm tra, xác minh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết 323 vụ việc khiếu nại, tố cáo; ban hành các kế hoạch, phối hợp và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết cơ bản các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

3. Công tác PCTN tiếp tục được quan tâm, trong đó, Thanh tra Chính phủ tăng cường hoạt động việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch, cải cách hành chính, quản lý, sử dụng tài sản công, nhờ đó trên một số lĩnh vực, tham nhũng từng bước được kiềm chế. Việc thực thi công ước Liên hợp quốc và Hợp tác Quốc tế về phòng, chống tham nhũng đã có kết quả tích cực; tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Chú trọng phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý tăng lên và kịp thời hơn, từ đó đã tạo sự chuyển biến trên nhiều mặt.

- Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế được thúc đẩy, nhiều văn bản Luật, Nghị định, Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ trong ngành được ban hành, tạo lập được cơ sở pháp lý tương đối đồng bộ phục vụ các mặt công tác của Thanh tra Chính phủ và của ngành thanh tra.

- Các mặt công tác khác như: tổ chức, cán bộ, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học thanh tra, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng… đều có những chuyển biến tích cực và phát triển đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm và cả nhiệm kỳ.

Song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ đã xác định thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, trong đó, công tác chính trị tư tưởng được coi trọng, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đẩy mạnh đạt nhiều kết quả, trở thành việc làm thường xuyên; việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” được triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả; công tác xây dựng tổ chức đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng có chuyển biến tích cực; công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ được tăng cường; công tác dân vận và lãnh đạo các đoàn thể được quan tâm. Điều đáng ghi nhận là Đảng uỷ Thanh tra Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo các tổ chức đảng và đảng viên trong công tác xây dựng Đảng. Đảng bộ chúng ta đã vượt qua khó khăn, không ngừng vươn lên, liên tục các năm đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và trong nhiều năm liên tục Đảng bộ đạt “trong sạch, vững mạnh”. Vị trí, uy tín, tầm vóc tác động của Thanh tra Chính phủ ngày càng được nâng cao. Đây có thể được coi là giai đoạn phát triển mạnh mẽ của Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra. Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tôi đánh giá cao và hoan nghênh sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, đảng viên Thanh tra Chính phủ và đặc biệt hoan nghênh sự lãnh đạo sâu sát của Đảng uỷ Thanh tra Chính phủ và các Ban Đảng, các cấp uỷ Đảng trực thuộc đối với hoạt động của Thanh tra Chính phủ trong nhiệm kỳ qua.

Thưa các đồng chí!

Điều gì đã làm nên thắng lợi, thành công của Đảng bộ cơ quan Thanh tra Chính phủ trong thời gian qua? Chúng ta thấy rõ rằng Đảng bộ chúng ta đã thực sự coi trọng việc xây dựng khối đoàn kết thống nhất, lấy nhiệm vụ chính trị làm mục tiêu hoạt động, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo. Trên cơ sở tập trung thúc đẩy nhiệm vụ chính trị, chúng ta đã tìm ra được các giải pháp đồng bộ để tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; đặc biệt là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và việc Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã xác định rõ những ưu điểm, hạn chế và biện pháp khắc phục và trên cơ sở đó có biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng đảng, những nguyên nhân nói trên là bài học thật sự làm cho chúng ta tâm đắc, nghiên cứu rút ra bài học thành công để có những hành động thiết thực hơn trong nhiệm kỳ tới.

Thưa các đồng chí!

Bên cạnh đó, một số thiếu sót, khuyết điểm đã được chỉ ra trong báo cáo chính trị của Đại hội, tôi đồng ý với 5 nội dung thiếu sót, khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua mà báo cáo chính trị đã nêu. Tôi nhấn mạnh thêm một số hạn chế, thiếu sót trong công tác lãnh đạo tổ chức thực hiện cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc đó là:

- Công tác giáo dục chính trị tư tưởng chưa đi vào chiều sâu, một số tổ chức, đơn vị thiếu thống nhất, nhất quán về nhận thức và hành động, nội bộ chưa thật sự đoàn kết, nhất trí, mặt bằng mặt lòng chưa bằng lòng, một số cán bộ, công chức, viên chức thậm chí có cả lãnh đạo nói chưa đi đôi với làm, từng lúc, từng việc quyết tâm chưa cao trong nhận thức, quyết liệt trong hành động.

- Vai trò của tổ chức Đảng trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị còn hạn chế, sự phối hợp với thủ trưởng đơn vị trong việc này chưa chặt chẽ, thường xuyên dẫn đến một số nhiệm vụ hoàn thành chậm, chất lượng chưa cao, một số công việc chưa ngang tầm nhiệm vụ được giao.

- Tính tiền phong, gương mẫu, kỷ luật, kỷ cương, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức của một số đảng viên trong Đảng bộ chưa tốt; vẫn còn có những trường hợp vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý; có một vài đồng chí mang tính cá nhân, bảo thủ cao liên tục có đơn thư tố cáo nặc danh, mạo danh, tố cáo phát ngôn bừa bãi, thiếu thận trọng cân nhắc, không đúng không mang tính xây dựng vẫn liên tục xảy ra, chẳng những làm ảnh hưởng đến nội bộ cơ quan, đơn vị mà còn làm nghi ngờ trong dự luận, trong ngành..., việc này đòi hỏi cán bộ Đảng viên phải đấu tranh giáo dục và kiên quyết xử lý những trường hợp gây rối nội bộ.

- Tổ chức chỉ đạo, điều hành của Đảng uỷ, cấp uỷ cấp trên đối với cấp uỷ cấp dưới hiệu quả chưa cao, một vài trường hợp chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động, có việc chấp hành chưa nghiêm túc, kịp thời sự chỉ đạo của Đảng uỷ cấp trên.

Thành tích của nhiệm kỳ qua được khẳng định là rất quan trọng là niềm tin là nền tảng cho việc thực hiện NQĐH nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên những hạn chế, yếu kém cũng phải được rút ra để tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ cao hơn, toàn diện hơn.

Thưa các đồng chí!

Nhiệm vụ của nhiệm kỳ tới vô cùng nặng nề bởi yêu cầu tăng tốc phát triển và hội nhập của đất nước ta. Dự thảo báo cáo chính trị của BCH Trung ương khoá XI trình Đại hội XII xác định rõ mục tiêu trong 5 năm tới: Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại... Để thực hiện mục tiêu này, Đảng ta đã xác định các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Cùng với cả nước ngành thanh tra xác định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn giúp Chính phủ trong công tác quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng. Đây là các lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp và có vai trò rất quan trọng trong ổn định, phát triển. Do đó, đòi hỏi chúng ta phải tự đổi mới để phát triển cao hơn.

          Thanh tra Chính phủ đang có thuận lợi là được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân cả nước, có sự kế thừa thành tựu của 70 năm xây dựng trưởng thành và kết quả tích cực của 5 năm qua. Nhưng những khó khăn, trở ngại phía trước còn nhiều, chúng ta vừa phải nỗ lực chuẩn bị bổ sung hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra nhưng đồng thời lại chuẩn bị tiếp đội ngũ chúng ta về nhiều mặt để tương thích, đáp ứng được nhiệm vụ mới. Đồng thời phải bản lĩnh đối diện với những vấn đề bức xúc của xã hội, nhất là tình trạng vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng và tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay. Nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra ngày càng nặng nề, đang là thử thách lớn lao đối với chúng ta, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải vững vàng hơn, tự tin hơn, bản lĩnh hơn, quyết tâm hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Chúng ta quyết không chùng bước trước khó khăn thách thức nhưng cũng không thể nóng vội, chủ quan. Trong bước đường phát triển mới chúng ta phải rất bình tĩnh, khôn khéo, phải chú trọng tìm ra giải pháp, cách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Để đạt định hướng hành động này, tôi xin góp một số chủ trương, giải pháp, biện pháp tổ chức thực hiện để Đảng bộ nghiên cứu, tiếp cận:

1. Đề nghị Đảng bộ cần coi trọng, tăng cường hơn nữa công tác chính trị, tư tưởng; thông qua công tác chính trị tư tưởng mà rèn luyện đạo đức phẩm chất, xây dựng ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức, kỷ luật cho từng cán bộ, đảng viên.

- Do hoạt động của chúng ta là hoạt động của lãnh đạo, quản lý nên rất cần phải vững vàng, thấu suốt, nhuần nhuyễn về chính trị. Phải làm cho mọi cán bộ, đảng viên thực sự trung thành, tận tụy, gương mẫu hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân; phải cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy; phải khách quan, công tâm, trung thực khi thực hiện nhiệm vụ; mọi cán bộ Đảng viên phải dũng cảm, hy sinh, không bị ảnh hưởng bởi ý nghĩ, hành động vụ lợi cá nhân.

- Trong công tác lãnh đạo chính trị, tư tưởng có vấn đề quan trọng là phải coi trọng nêu gương và xây dựng điển hình để tạo ra phong trào thi đua hoàn thành nhiệm vụ ngày càng rộng, mạnh. Phải làm cho mọi cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp thực sự là tấm gương về mọi mặt. Phải chống chủ nghĩa bình quân, chống tự kiêu, tự mãn, chủ nghĩa cá nhân trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

2. Đảng uỷ tiếp tục chỉ đạo cần có kế hoạch để nâng cao chất lượng chi bộ, đảng viên, đảm bảo cho chi bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh để nhiệm kỳ tới Đảng bộ tiếp tục giữ danh hiệu trong sạch vững mạnh, trong đó, phải quan tâm giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, rèn luyện đạo đức, phẩm chất của cán bộ, đảng viên, phấn đấu để thực hiện tốt 5 chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên, công, viên chức Ngành Thanh tra.

- Việc kiện toàn, củng cố nâng cao chất lượng Đảng bộ, chi bộ, đảng viên phải là việc làm quan trọng, thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng uỷ Thanh tra Chính phủ. Việc củng cố chi bộ phải tập trung vào hai khâu: nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo, kiểm tra của các cấp uỷ Đảng. Việc củng cố nâng cao chất lượng đảng viên phải xuất phát nhiệm vụ được giao, có biện pháp rèn luyện, thử thách phù hợp với đặc điểm mạnh, yếu của đảng viên, nhất là phải chú trọng kiểm tra công tác và đánh giá, phân loại đảng viên phải nghiêm túc.

- Phải gắn công tác nâng cao chất lượng chi bộ, đảng viên với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Phải kết hợp chặt quá trình học tập, công tác của cán bộ với quá trình giáo dục, rèn luyện của đảng viên; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý thực hiện nhiệm vụ của cán bộ với nâng cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình trong cán bộ, đảng viên. Phải chống mọi biểu hiện cơ hội, thực dụng, thủ đoạn thiếu chân thành trong xây dựng nội bộ, gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ.

- Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4, nhất là phải chú trọng khắc phục toàn diện các hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra, đồng thời phát huy những mặt tích cực, ưu điểm để việc thực hiện có hiệu quả.

3. Đảng bộ phải quan tâm xây dựng hệ thống chính trị trong cơ quan, nhất là các đoàn thể cơ quan thực sự trong sạch vững mạnh. Mỗi đoàn thể phải làm nòng cốt xây dựng một số phòng trào. Lấy phong trào làm thước đo đánh giá hoạt động đoàn thể. Nâng cao vai trò đoàn thể với các hoạt động xã hội. Có biện pháp để phát huy được cơ sở trong cơ quan, thông qua đoàn thể giám sát hoạt động cơ quan.

4. Để nâng cao hoạt động của Tổ chức đảng, Đảng uỷ cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Ban cán sự Đảng và Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ. Trên tinh thần đó, các Đảng uỷ, chi uỷ trực thuộc cần tăng cường phối hợp với lãnh đạo đơn vị trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác cán bộ.

Thưa các đồng chí!

Nhiệm vụ của Đại hội có hai nhiệm vụ chính là: Thảo luận văn kiện của cấp mình và thảo luận góp ý vào văn kiện Đại hội của Đảng bộ cấp trên và Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

Nhiệm vụ chính thứ hai cũng rất quan trọng là bầu Ban chấp hành Đảng bộ và Đại biểu đi dự Đại hội cấp trên để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết mà Đại hội đã thảo luận và quyết định.

Để có một Ban chấp hành đảm bảo được yêu cầu, cơ cấu có năng lực, tập trung cho bản lĩnh, trí tuệ của Đảng bộ hoàn thành nhiệm vụ được giao tôi đề nghị các Đại biểu cần đề cao trách nhiệm, xử lý đầy đủ thông tin, cân nhắc kỹ lưỡng, sáng suốt lựa chọn các đồng chí có đủ điều kiện đảm đương hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời chọn những đồng chí có uy tín, trí tuệ, tiêu biểu cho Đảng bộ để bầu vào đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên.

Thưa các đồng chí !

Đại hội Đảng bộ Thanh tra Chính phủ lần thứ XXII diễn ra vào thời điểm ngành thanh tra tiến hành sơ kết 6 tháng đầu năm, đề ra nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2015 là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, cũng là năm kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành thanh tra. Tôi tin tưởng rằng thành công của Đại hội là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của cơ quan Thanh tra Chính phủ, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy kết quả, thành tích đã đạt được trong thời gian qua, khẳng định nhiệm vụ chính trị thời gian tới.

Xin chúc các đồng chí sức khỏe, chúc Đại hội thành công!

Trân trọng cảm ơn./.


VIDEO