Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

“Mạnh tay” thanh tra không để mất an toàn lao động

26/05/2015

Tại phiên thảo luận tại hội trường Dự thảo Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) hôm nay (25/5), Đại biểu (ĐB) Quốc hội (ĐBQH) vẫn trăn trở với nhiều vấn đề tổ chức lực lượng thanh tra để mạnh tay ngăn chặn tình trạng mất ATVSLĐ…

Tăng cường số lượng thanh tra

Công tác thanh tra ATVSLĐ có tính phức tạp đặc thù. Đây vừa là hoạt động thanh tra con người thực thi chính sách, chế độ lại vừa kiểm tra độ an toàn của máy, thiết bị, công cụ sản xuất mà người lao động (NLĐ) sử dụng tại nơi làm việc và cả các yếu tố nguy hiểm, có hại cho sức khỏe NLĐ có trong môi trường lao động. Cho nên, đây là vấn đề được nhiều ĐB quan tâm và vẫn còn có ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, tiếp thu ý kiến ĐB từ Kỳ họp 8, Dự thảo Luật quy định thanh tra ATVSLĐ là thanh tra chuyên ngành, thuộc cơ quan thực hiện quản lý Nhà nước về lao động cấp Trung ương, cấp tỉnh để phù hợp với Luật Thanh tra. “Chính phủ cần quan tâm để tăng cường số lượng thanh tra cho các tỉnh, TP có đông NLĐ để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ”, bà Mai nói.

Tán thành quy định của Dự thảo, ĐB Nguyễn Minh Phương (TP Cần Thơ), ĐB Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) nhấn mạnh, cần phải tăng cường thanh tra để ngăn chặn tình trạng mất ATVSLĐ nhưng không nên “phá vỡ” các quy định của Luật Thanh tra. Hơn nữa, với tính chất phức tạp khi thanh tra ATVSLĐ thì chỉ thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện mới đủ thẩm quyền, năng lực để thực hiện nhiệm vụ.

Trong khi đó, ĐB Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) đề nghị tổ chức thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ mở rộng đến cấp huyện. “Dự thảo Luật mở rộng đối tượng đến cả khu vực không có quan hệ lao động nên khối lượng công việc rất lớn. Nếu chỉ thanh tra cấp Trung ương, cấp tỉnh thì chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa, nhiều địa phương có tốc độ phát triển nhanh, đòi hỏi công tác phòng ngừa, xử lý nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ NLĐ và doanh nghiệp. Nếu vì lý do biên chế, thì nên rà soát lại và áp dụng hình thức khoán biên chế thanh tra trong ngành Lao động để không tăng biên chế”, ĐB Sang phân tích.

Còn ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM) lưu ý, ưu tiên hàng đầu là phải phòng ngừa, kiểm soát tai nạn lao động (TNLĐ). Nếu xảy ra TNLĐ sẽ gây ra những tổn thất cho NLĐ, doanh nghiệp, xã hội và không có gì có thể bù đắp được cho gia đình NLĐ. “Cần phải có sự đầu tư thêm thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ ở những đơn vị cấp huyện mà có khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển”, ĐB Hải đề xuất.

Trợ cấp TNLĐ cho NLĐ không phân biệt lỗi

Đa số ý kiến đại biểu tán thành với việc bổ sung 2 chính sách mới trong chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (BNN): Chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ, BNN khi trở lại làm việc và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ, BNN nhằm nâng cao ý thức đối với công tác ATVSLĐ tại nơi làm việc cho NLĐ, người chủ sử dụng lao động, cũng như tạo điều kiện cho NLĐ hòa nhập lại thị trường lao động sau khi bị TNLĐ hoặc BNN.

Mặc dù nhiều ĐBQH đề nghị mở rộng chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN cho nhóm lao động không có quan hệ lao động để tạo sự công bằng trong việc thụ hưởng các chính sách bảo vệ được quyền lợi của NLĐ. Nhưng dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc chung về chính sách bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện. “Việc xác định và tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm BNN cho NLĐ khu vực này khó khả thi nên giao Chính phủ quyết định cụ thể về đối tượng và thời điểm thực hiện chính sách này cho phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội trong từng giai đoạn”, Chủ nhiệm Trương Thị Mai lý giải.

Cùng với đó, nhiều ĐB đề nghị trợ cấp TNLĐ cho NLĐ không phân biệt lỗi do NLĐ hay người sử dụng lao động. ĐB Trần Thanh Hải (TP HCM) nói, khi xảy ra TNLĐ, NLĐ chịu thiệt thòi vô cùng lớn. Và thực tế cũng khó mà phân biệt rạch ròi lỗi do NLĐ hay do người sử dụng lao động. Đề nghị, “xử lý nghiêm những hành vi gây ra mất ATVSLĐ”.

ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cũng yêu cầu “có chế tài đủ mạnh nếu người sử dụng lao động để mất ATVSLĐ và cơ chế kiểm soát, chính sách cụ thể tránh tình trạng nhiều đơn bị tham gia bảo hiểm tự nguyện nhưng chính sách hỗ trợ khác nhau” nhằm xử lý những nguyên nhân dẫn đến mất ATVSLĐ…

Bên cạnh đó, ĐBQH kiến nghị nghiên cứu bổ sung các qui định về điều kiện nhận việc tại nhà, trách nhiệm của người sử dụng lao động khi NLĐ nhận việc tại nhà như đối với NLĐ tại cơ sở.

Theo: Báo Thanhtra

VIDEO