Thành lập lại Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, từng bước ổn định tổ chức ngành Thanh tra
Ngày 11/08/1969, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 789/NQ-TVQH thành lập lại Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và cử đ/c Nguyễn Thanh Bình giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban sau một thời gian Ủy ban Thanh tra của Chính phủ dừng hoạt động (tháng 10/1965). Quốc hội cũng giao cho Hội đồng Chính phủ xem xét, nghiên cứu để ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.
Giữa năm 1964, đế quốc Mỹ điên cuồng dùng không quân và hải quân tấn công miền Bắc, trước tình hình mới của đất nước, ngày 11/10/1965, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn việc “Giải thể Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, công tác thanh tra sẽ giao cho thủ trưởng các cơ quan, các ngành, các cấp phụ trách để gắn liền công tác thanh tra với việc chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu kế hoạch nhà nước”.
Công tác thanh tra ở Trung ương sẽ do các văn phòng của Phủ Thủ tướng đảm nhận. Các bộ phận của Ủy ban Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển giao cho Văn phòng Phủ Thủ tướng. Ở các khu, tỉnh, thành phố, công tác thanh tra sẽ do ủy ban hành chính các cấp đảm nhận.
Đến cuối năm 1968, trước thất bại nặng nề trên cả hai miền Nam Bắc, đế quốc Mỹ buộc phải xuống thang, chấm dứt ném bom miền Bắc, chịu ngồi đàm phán với ta tại Hội nghị Pari. Miền Bắc bước vào giai đoạn tạm thời hòa bình, bắt tay vào khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, tăng cường chi viện cho miền Nam trực tiếp đánh Mỹ, ngụy. Trước nhiệm vụ mới của đất nước và trước yêu cầu cần thiết của công tác thanh tra, công tác xét khiếu tố, Đảng và Nhà nước quyết định thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và các ban thanh tra các tỉnh, thành phố.
Ngày 11/08/1969, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra Nghị quyết số 789/NQ-TVQH thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và cử đồng chí Nguyễn Thanh Bình giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban. Quốc hội giao Hội đồng Chính phủ xem xét, nghiên cứu để ban hành nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, thanh tra và giải quyết các vụ khiếu nại, tố giác, ngày 31/08/1970, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 164/CP về việc tăng cường công tác thanh tra và chấn chỉnh hệ thống cơ quan thanh tra của Nhà nước.
Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, thanh tra là một khâu quan trọng trong toàn bộ công tác quản lý của bộ máy nhà nước, và nêu nhiệm vụ của Thanh tra gồm:
“Trọng tâm là thanh tra kinh tế, nhất là thanh tra việc thực hiện kế hoạch nhà nước.
Kiểm tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên.
Giúp các cơ quan, đơn vị được thanh tra nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức, kỷ luật của cán bộ, công nhân viên chức.
Xét, giải quyết kịp thời, đúng đắn các vụ khiếu nại, tố giác của nhân dân.
Đề ra những biện pháp cụ thể để giải quyết kịp thời và tại chỗ những vấn đề cụ thể của cơ sở, đồng thời đề xuất với cơ quan có trách nhiệm để nghiên cứu và giải quyết những vấn đề có tính chất cơ bản, lâu dài về tổ chức, công tác, chính sách, chế độ.
Nghị Quyết cũng rõ phương châm tiến hành công tác thanh tra và chấn chỉnh hệ thống cơ quan Thanh tra chuyên trách từ Trung ương tới các địa phương và các ban, ngành.
Cũng trong ngày 31/08/1970, Hội đồng Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 165/CP quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ.
Nghị định gồm 9 điều quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của bộ máy Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và mối quan hệ công tác giữa cơ quan thanh tra với các cơ quan hữu quan khác.
Về chức năng, Nghị định quy định: Ủy ban Thanh tra của Chính phủ là cơ quan của Hội đồng Chính phủ có trách nhiệm thanh tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, pháp luật của Nhà nước, kế hoạch và ngân sách của Nhà nước nhằm tăng cường kỷ luật, nâng cao tinh thần trách nhiệm, cải tiến tổ chức và lề lối làm việc trong bộ máy của Nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Nhiệm vụ của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ được quy định gồm:
Thanh tra thường xuyên việc thực hiện kế hoạch nhà nước có trọng tâm, trọng điểm theo yêu cầu của Hội đồng Chính phủ.
Thanh tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng và Chính phủ, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến nền kinh tế quốc dân và đời sống nhân dân..
Giải quyết và thanh tra việc xét và giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Thanh tra việc thực hiện chế độ kiểm tra ở các ngành, các cấp; chỉ đạo nghiệp vụ và hướng dẫn công tác cho các cơ quan thanh tra chuyên trách của các ngành, các địa phương.
Quản lý tổ chức, cán bộ biên chế, lao động tiền lương, tài vụ của Ủy ban theo chế độ chung của Nhà nước.
Nghị định cũng quy định quyền hạn của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, trong đó có quyền tạm thời đình chỉ những việc làm mà Ủy ban Thanh tra của Chính phủ nhận thấy đang gây, hoặc sắp gây những thiệt hại nghiêm trọng về chính trị, kinh tế cho Nhà nước, cho nhân dân; tạm thời đình chỉ thi hành quyết định điều động những người đang cộng tác với cơ quan thanh tra đi nơi khác; tạm thời đình chỉ công tác những cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước có hành động cản trở công tác thanh tra (trừ các cán bộ cấp Thứ trưởng và tương đương trở lên phải do Hội đồng Chính phủ quyết định)
Về tổ chức, Nghị định quy định, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ có một chủ nhiệm, một số Phó Chủ nhiệm; tổ chức bộ máy Ủy ban Thanh tra Chính phủ gồm: Văn phòng, Vụ Tổng hợp, Vụ Xét khiếu tố và các đoàn thanh tra kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ được thành lập và từng bước tăng cường, ổn định tổ chức. Các cán bộ lãnh đạo Ủy ban Thanh tra Chính phủ lần lượt được bổ nhiệm. Đồng chí nguyễn Thanh Bình được cử giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban, đồng chí Nguyễn Mạnh Quỳ và đồng chí Nguyễn Thừa Kế được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban. Các vụ và các đoàn thanh tra cũng được thành lập và bổ sung thêm cán bộ để bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ do Đảng và Nhà nước giao phó.