Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Chính phủ báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

31/05/2018

Ngày 31/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi. Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo luật.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, theo Tổng Thanh tra Lê Minh Khái, qua tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN cho thấy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện các quy định về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập chưa hiệu quả là chưa có bộ máy được giao nhiệm vụ chuyên trách quản lý bản kê khai và sử dụng, khai thác các thông tin, dữ liệu có được để kiểm soát biến động tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai. Vì vậy, Dự thảo Luật cần phải có giải pháp để khắc phục.

Về Xây dựng mạng lưới kiểm soát tài sản, trong quá trình thảo luận có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất dựa trên ý kiến của nhiều ĐBQH đề nghị thành lập cơ quan chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Tuy nhiên, để tránh việc phát sinh về tổ chức và biên chế, Chính phủ cho rằng, cần lựa chọn phương án giao chức năng chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra Nhà nước, gồm: gồm: Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ và Thanh tra tỉnh; đồng thời, tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương không có cơ quan Thanh tra thì giao cho đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ.

Theo Tổng Thanh tra, ý kiến này xuất phát từ cơ sở giúp khắc phục một cách triệt để những bất cập, hạn chế trong quản lý bản kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập hiện nay thông qua việc hình thành mạng lưới cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập với tổng số khoảng 120 đầu mối (30 đầu mối ở Trung ương; 63 đầu mối ở địa phương và khoảng 27 đơn vị phụ trách tổ chức cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác) trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với đó, xác định rõ vai trò điều phối của Thanh tra Chính phủ trong việc quản lý, hướng dẫn và kiểm tra; xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ làm việc chuyên trách nhằm quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập dựa trên lực lượng nòng cốt là các công chức đã có kinh nghiệm bước đầu của cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng thuộc Thanh tra Chính phủ và hệ thống các cơ quan Thanh tra Nhà nước.

“Mạng lưới cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập được hình thành theo phương án này sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xây dựng, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Qua đó, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức kê khai, trao đổi, chia sẻ dữ liệu phục vụ cho công tác xác minh và xử lý tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm không có nguồn gốc hợp pháp; giúp hạn chế tăng về biên chế, nguồn lực khi tổ chức thực hiện”, Tổng Thanh tra nói.

Loại ý kiến thứ hai dựa trên ý kiến của các ĐBQH đề nghị giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn hưởng hệ số phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.

TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Kiểm toán Nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý và có chỉnh lý quy định theo nhóm chức vụ (Giám đốc Sở và tương đương trở lên) thay cho hệ số phụ cấp (0,9) để phù hợp với định hướng về cải cách tiền lương trong thời gian tới.

“Trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của từng phương án và để khắc phục những hạn chế, bất cập qua 10 năm thực hiện Luật PCTN, Chính phủ lựa chọn theo loại ý kiến thứ nhất”, Tổng Thanh tra báo cáo.

Thẩm tra Dự án Luật, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp lại tán thành với phương án 2.

Theo Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, phương án 2 đã tăng cường hơn tính tập trung, khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay nhưng cũng không gây xáo trộn lớn về tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị đang làm công tác này.

Hơn nữa, so với Luật PCTN hiện hành, Dự thảo Luật đã bổ sung nhiều trường hợp bắt buộc phải xác minh tài sản, thu nhập; bổ sung cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nhiều nhiệm vụ mới  thì việc giao cho một đầu mối cơ quan kiểm soát là khó khả thi.

“Với tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của các cơ quan Thanh tra hiện nay thì chỉ riêng việc thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai trong các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương cũng đã quá tải”, bà Nga cho biết, nếu chọn phương án 1 phải bổ sung biên chế, bộ máy.

Ý kiến khác trong Ủy ban Tư pháp thì tán thành với phương án 1 vì cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua là do phân tán thẩm quyền, thiếu bộ máy, cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này.

“Việc giao cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị tự kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình cũng khó bảo đảm khách quan”, ý kiến này nêu, giao cho hệ thống thanh tra thực hiện chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập là cần thiết, phù hợp.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cân nhắc giao cho Kiểm toán Nhà nước hoặc giao cơ quan Thuế là đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.

Chiều nay, các đại biểu thảo luận ở Tổ về Dự thảo Luật này./.

PV

VIDEO