Thành lập Ủy ban Thanh tra Nhà nước
Ngày 15/02/1984, Hội đồng bộ trưởng ban hành Nghị quyết số 26/HĐBT về việc tăng cường tổ chức thanh tra và nâng cao hiệu lực thanh tra, trong đó nêu rõ về hệ thống thanh tra Nhà nước và thanh tra nhân dân, quy định cụ thể những nguyên tắc, đặt cơ sở về nhận thức và về tổ chức thực hiện nhiệm vụ của ngành Thanh tra trong tình hình mới. Nghị quyết đổi tên gọi chính thức của hệ thống thanh tra là “Ủy ban Thanh tra Nhà nước” các cấp.
Về mục đích của thanh tra, Nghị quyết nêu rõ thanh tra “nhằm mục đích phát huy mặt đúng, ngăn ngừa sửa chữa cái sai; làm cho chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh và có hiệu quả thiết thực”.
Về tính chất của tổ chức thanh tra, Nghị quyết nêu rõ: “ thanh tra là một khâu không thể thiếu trong công tác lãnh đạo” và “Tổ chức thanh tra là một công cụ có hiệu lực của Nhà nước chuyên chính vô sản, đồng thời là một hình thức tổ chức của quần chúng để thực hiện quyền làm chủ tập thể của mình trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. Theo tinh thần ấy, tổ chức và hoạt động thanh tra phải thể hiện được tính chất Nhà nước và tính chất nhân dân”
Về hệ thống tổ chức, Nghị quyết đã quy định cụ thể những nguyên tắc về tổ chức, quản lý chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thanh tra nhà nước. Theo đó: “Hệ thống thanh tra các cấp gồm: Ủy ban Thanh tra Nhà nước Trung ương; Ủy ban Thanh tra Nhà nước cấp tỉnh, thành phố, huyện, quận và tương đương; ban thanh tra nhân dân cấp cơ sở. đó là hệ thống tổ chức thanh tra được quản lý và chỉ đạo tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở”. Nghị quyết còn đổi tên gọi chính thức của hệ thống thanh tra là “Ủy ban Thanh tra Nhà nước” các cấp và xác định: “Ủy ban Thanh tra Nhà nước Trung ương là một cơ quan nhà nước, nằm trong cơ cấu bộ máy nhà nước; Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà nước Trung ương là thành viên của Hội đồng Bộ trưởng; Chủ nhiệm ủy ban thanh tra nhà nước các cấp tỉnh, huyện và tương đương là thành viên của Ủy ban nhân dân cùng cấp; ủy ban thanh tra nhà nước các cấp không phải chỉ là một cơ quan chuyên môn ở địa phương mà còn là một cấp của hệ thống thanh tra và là một bộ phận của cơ quan lãnh đạo chính quyền cùng cấp”.
Đối với các tổ chức thanh tra nhân dân, Nghị quyết thống nhất tên gọi là “Thanh tra nhân dân” và xác định đây là tổ chức thanh tra của quần chúng ở các cơ sở và là cấp cơ sở trong hệ thống thanh tra. Các tổ chức thanh tra ngành ở Trung ương, tỉnh, thành phố do các thủ trưởng ngành trực tiếp lập ra nhưng phải tuân theo những nguyên tắc của của Nghị quyết này và sự hướng dẫn của Thanh tra nhà nước Trung ương. Nghị quyết cũng quy định chi tiết để ủy ban thanh tra nhà nước các cấp có trách nhiệm và có mối quan hệ với lãnh đạo ngành, bảo đảm cho tổ chức và hoạt động của các ban thanh tra ngành phù hợp với những quy định chung của Nhà nước vè công tác thanh tra cũng như sự phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn ngành Thanh tra.
Về nhiệm vụ của thanh tra, trên cơ sở quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược và 4 mục tiêu kinh tế-xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ V đã đề ra, Nghị định 26 của Hội đồng Bộ trưởng đã nhấn mạnh, phải gắn giữa thanh tra kinh tế với an ninh-quốc phòng; đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ của thanh tra trong việc ngăn ngừa và chống mọi biểu hiện của tệ quan liêu, thiếu trách nhiệm, vô kỷ luật, tệ tham ô, hối lộ, cửa quyền, ức hiếp quần chúng và các biểu hiện tiêu cực khác, đồng thời “chú trọng thanh tra việc thủ trưởng các ngành, các cấp thực hiện chủ trương tiếp dân và trực tiếp xét, giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo” theo Pháp lệnh quy định việc xét và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân..
Để bảo đảm thực hiện tốt vị trí, vai trò, chức năng và nhiệm vụ của thanh tra, Nghị quyết quy định cụ thể về quyền hạn cũng như các nguyên tắc, biện pháp kiện toàn đội ngũ cán bộ, chính sách và chế độ đãi ngộ với ngành Thanh tra
Lớp cán bộ Ủy ban Thanh tra Nhà nước những năm 90 của thế kỷ 20