Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Triển khai Kế hoạch 2100/KH-TTCP khu vực phía Bắc

26/11/2013

Ngày 25/11, tại Hòa Bình, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã chủ trì Hội nghị triển khai Kế hoạch 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phúc tạp, tồn đọng và phối hợp công tác giữa Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước với các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo thanh tra và trụ sở tiếp dân của 21 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân còn diễn biến phức tạp. 10 tháng đầu năm 2013, khiếu nại, tố cáo của công dân tại Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tuy có giảm về số lượng người nhưng số đoàn đông người và số vụ việc tăng so với cùng kỳ năm trước. Nhất là trong tháng 10 (thời điểm diễn ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII). Các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp không phát sinh mới, chủ yếu là các vụ việc từ nhiều năm trước chưa được xem xét, giải quyết dứt điểm. Công dân tiếp tục đeo bám, gây sức ép đối với các cơ quan Trung ương và cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Trước tình hình đó, Thanh tra Chính phủ đã họp với các bộ, ngành, địa phương và ban hành Kế hoạch số 934/KH-TTCP ngày 26/4/2013 về phối hợp tổ chức tiếp công dân phục vụ các kỳ họp của Trung ương và Quốc hội. 
 
Để tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sau khi tiến hành sơ kết việc triển khai thực hiện kế hoạch 1130/KH-TTCP ngày 10/5/2012 của Thanh tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, kéo dài, ngày 19/9/2013, Thanh tra Chính phủ tiếp tục ban hành Kế hoạch 2100/KH-TTCP về việc tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng. Ba mục đích lớn của Kế hoạch 2100/KH-TTCP là:  Rà soát, giải quyết có hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc từ cơ sở; hạn chế việc công dân khiếu nại, tố cáo vượt cấp; ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và việc chấp hành các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nâng cao vai trò của hệ thống thanh tra các cấp, các ngành trong việc tham mưu cho thủ trưởng các cơ quan nhà nước cùng cấp thực hiện Kế hoạch số 2100/KH-TTCP đạt chất lượng và hiệu quả. Kế hoạch 2100/KH-TTCP gồm 2 nội dung chính: Đối với những vụ việc đã được rà soát theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP thì tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện phương án thống nhất giữa TTCP và UBND tỉnh, thành phố. 
 
Đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng chưa được rà soát theo Kế hoạch 1130/KH-TTCP, Chánh thanh tra các tỉnh, thành phố chủ động tham muu cho UBND cùng cấp rà soát các vụ việc phức tạp, tồn đọng trên địa bàn; tiến hành phân loại và xây dựng kế hoạch, tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố có phương án giải quyết dứt điểm. Cụ thể: Đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố thì thành lập đoàn thanh tra, phân công các sở, ban ngành chức năng tiến hành thẩm tra, xác minh, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ra quyết định giải quyết theo quy định. Quá trình kiểm tra, kết luận giải quyết cần vận dụng đầy đủ những quy định của pháp luật, tính hợp lý và thực tế của vụ việc để tạo sự đồng thuận và thống nhất cao giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc xem xét, giải quyết vụ việc, có biện pháp giải quyết có lý, có tình, đảm bảo tính khả thi. 
 
Đối với các vụ việc đã giải quyết nhiều lần nhưng công dân vẫn không chấp nhận mà khiếu nại, tố cáo kéo dài thì thành lập Tổ công tác xem xét lần cuối; nếu có cơ sở xem xét, giải quyết thì quyết định giải quyết lại vụ việc nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện ngay, không để kéo dài; nếu không có cơ sở thì chỉ đạo thực hiện các quy trình theo hướng dẫn tại Văn bản số 2695/TTCP-VP ngày 19/10/2012 của Thanh tra Chính phủ để ra thông báo chấm dứt giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trường hợp vụ việc đã được giải quyết đúng pháp luật nhưng do điều kiện, hoàn cảnh gia đình công dân đặc biệt khó khăn thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vận dụng chính sách xã hội và điều kiện cụ thể của địa phương để xem xét, quyết định hỗ trợ để người dân ổn định cuộc sống, chấm dứt khiếu nại. 
 
Đối với vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết của Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố, thị xã thì nhanh chóng có văn bản chỉ đạo Chủ tịch UBND quận, huyện, thành phố, thị xã giải quyết. Đối với các vụ việc gặp khó khăn vướng mắc trong áp dụng cơ chế, chính sách, pháp luật thì cơ quan thanh tra các cấp, các ngành tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của các bộ, ngành chức năng. Trường hợp đặc biệt phức tạp thì UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ để thống nhất có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. TTCP sẽ cử cán bộ phối hợp với địa phương kiểm tra, xem xét, kết luận và đề xuất biện pháp giải quyết những vụ việc lien quan đến nhiều lĩnh vực hoặc rất phức tạp khi địa phương có văn bản đề nghị.
 
Trên cơ sở Kế hoạch 2100/KH-TTCP, Cục I đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai. Tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị, đề xuất để triển khai thực hiện tốt kế hoạch 2100/KH-TTCP như: TTCP cần thống nhất các tiêu chí thế nào là 1 vụ việc tồn đọng; hướng dẫn chi tiết việc chấm dứt 1 vụ việc đã qua nhiều cấp giải quyết nhưng công dân vẫn khiếu kiện; thống nhất với ngành Tòa án để tạo thuận lợi cho công dân khởi kiện ra tòa hành chính và cũng tránh tình trạng khi ra tòa kéo dài thời gian, thủ tục làm mất nhiều thời gian công sức của các cơ quan hành chính khi bị khởi kiện ra tòa…
 
Kết luận hội nghị, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh khẳng định, thời gian qua TTCP và các địa phương đã nỗ lực phối hợp giải quyết được nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài, góp phần ổn định an ninh chính trị; nhiều địa phương đã rất quan tâm tới công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tuy nhiên, công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn bộc lộ một hạn chế như: Việc triển khai thực hiện Kế hoạch 2100/KH-TTCP chưa triệt để, nhiều tỉnh chưa có kế hoạch triển khai cụ thể; việc cung cấp thông tin, cập nhật tình hình tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giữa Trung ương và địa phương chưa thông suốt; hiệu quả, hiệu lực khi thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp; công tác kiểm tra, thanh tra thủ trưởng cơ quan hành chính các cấp trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa thường xuyên, triệt để; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa tốt… Phó tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh cũng chỉ ra mốt số nguyên nhân chủ yếu  như; Công tác chỉ đạo, điều hành quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều yếu kém; trình độ, năng lực, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu; còn tình trạng đùn đẩy, né tránh giữa các cơ quan nhà nước trong tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo..Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh cũng chỉ ra một số giải pháp nhằm thực hiện tốt Kế hoạch 2100/KH-TTCP như: Các địa phương trong khu vực tiến hành sơ kết 5 năm thực hiện Thông báo Kết luận 130 của bộ Chính trị; coi công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ thường xuyên; triển khai cụ thể Kế hoạch 2100; tăng cường công tác  thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các cơ quan hành chính; tăng cường giám sát, đôn đốc thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo; chú trọng công tác đối thoại kết hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật; Cục phụ trách địa bàn tăng cường phối hợp với các đại phương…

VIDEO