Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu làm việc với Ban soạn thảo Luật PCTN (sửa đổi)

09/06/2016

Ngày 09/6, tại trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ, đồng chí Phan Văn Sáu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ, Trưởng Ban soạn thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) (sửa đổi) đã chủ trì hội nghị lấy ý kiến thành viên Ban soạn thảo về các nội dung cơ bản tại Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi).

​Tại hội nghị, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ đã trình bày các nội dung cơ bản tại dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lần này. Theo đó, dự thảo Luật được bố cục gồm 10 Chương với 120 điều. Dự thảo đã bổ sung đối tượng là “Người giữ chức vụ lãnh đạo quản lý trong một số tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước”. Như vậy, phạm vi điều chỉnh được mở rộng đối với các hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân ngoài khu vực nhà nước. Dự thảo Luật cơ bản giữ nguyên 12 hành vi tham nhũng như quy định hiện hành, tuy nhiên có rà soát và điều chỉnh một số hành vi cho phù hợp. Vấn đề kiểm soát xung đột lợi ích là chế định mới được đưa ra tại Dự thảo lần này, đây cũng là vấn đề được đề cập trong Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

Đặc biệt, Dự thảo đã tách nhóm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập thành một chương riêng  với tên gọi “Minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập” với nhiều quy định mới, có tính đột phá nhằm mục đích kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số đối tượng có chức vụ, quyền hạn khác. Đồng thời, quy định rõ việc kê khai, quản lý bản kê khai, theo dõi biến động, xác minh, xử lý vi phạm về minh bạch tài sản, thu nhập và xử lý tài sản, thu nhập không minh bạch.

Ngoài ra, dự thảo Luật lần này cũng bổ sung, chỉnh sửa nhiều quy định mới về công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, mô hình cơ quan, tổ chức PCTN, trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của xã hội… nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, PCTN.

Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng Dự thảo Luật là dựa trên kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật hiện hành và quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về PCTN đó là: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các giải pháp đề ra trong Nghị quyết Trung ương 3 khóa X, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Kết luận Trung ương 5 khóa XI, Chỉ thị số 33-CT-TWvề tăng cường kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập, Chỉ thị số 50/CT/TW của Bộ Chính trị về phát hiện và xử lý tham nhũng và Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng;  sửa đổi toàn diện Luật PCTN nhằm tiếp tục củng cố nâng cao hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng và coi đây là  nhiệm vụ then chốt, cơ bản và lâu dài. Sửa đổi, bổ sung có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vấn đề mà thực tiễn công tác PCTN cho thấy đã rõ việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả nhằm tạo bước chuyển thực chất trong công tác PCTN…

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Thanh tra Chính phủ khi hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn trong thời gian ngắn, đồng thời cơ bản đồng tình, đánh giá cao các quy định mới tại dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) lần này. Các đại biểu cũng bổ sung, đóng góp ý kiến thẳng thắn nhằm hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự thảo Luật.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cảm ơn các ý kiến đóng góp của đại biểu, đồng thời khẳng định với vai trò cơ quan được giao xây dựng sửa đổi Luật, Thanh tra Chính phủ (Ban soạn thảo) sẽ nghiên cứu, tiếp thu toàn bộ các ý kiến góp ý để bổ sung, chỉnh sửa hoàn thiện Dự thảo Luật trong thời gian tới./.

VIDEO