Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Thanh tra Hà Nội sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014

19/06/2014

Ngày 18/6, tại Hà Nội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã dự Hội nghị sơ kết công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2014 của Thanh tra thành phố Hà Nội. Tham dự Hội nghị có Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh, Chánh Thanh tra Thành phố Nguyễn Văn Tuấn Dũng cùng đại diện Lãnh đạo các sở, ngành, huyện thị của thành phố.​

IMG_8732.JPGTheo báo cáo 6 tháng đầu năm, Thanh tra thành phố và các sở, ngành, huyện, thị đã triển khai đồng bộ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết KNTC và phòng, chống tham nhũng.
Về thanh tra hành chính, các cơ quan thanh tra của thành phố đã thực hiện 176 cuộc thanh tra, đã kết luận 105 cuộc. Nội dung thanh tra tập trung vào các lĩnh vực như quản lý nhà nước về đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản, quản lý hè đường, trật tự đô thị. Qua thanh tra, đã phát hiện sai phạm 153,6 tỷ đồng và 3,6ha đất; kiến nghị thu hồi 143,6 tỷ đồng, xử lý khác 10 tỷ đồng; kiến nghị trách nhiệm 22 tập thể, 20 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 2 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 26,5 tỷ đồng.
Về tiếp công dân, xử lý đơn thư, các cơ quan hành chính các cấp đã tiếp 18.881 lượt công dân đến KNTC; tiếp nhận và xử lý 15.836 đơn các loại, tiếp 83 lượt đoàn đông người. Nội dung KNTC tập trung chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, GPMB, quản lý xây dựng, trong đó có 1 số vụ việc đã được các cấp có thẩm quyền giải quyết có tình có lý, nhưng công dân vẫn không đồng tình, tiếp tục KNTC.
Qua giải quyết KNTC đã kiến nghị điều chỉnh 26 phương án bồi thường GPMB, bổ sung 2 phương án tái định cư, hủy 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, thu hồi 10 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi 6.950m2 đất; trả công dân 120 triệu đồng, hoàn trả các hộ dân 19.292m2 đất; kiểm điểm trách nhiệm 12 tập thể, 21 cá nhân để xảy ra sai phạm.
Bên cạnh đó, Thanh tra thành phố chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật PCTN. Các sở, ngành, quận, huyện, thị xã đã tổ chức 52 lớp, hội nghị để tuyên truyền pháp luật về PCTN với 10.650 người tham gia. Tuy nhiên, kết quả đạt được từ công tác này chưa cao; vệc phát hiện các vụ án tham nhũng chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang xảy ra; phần lớn các vụ việc tham nhũng được phát giác thông qua tố giác, phản ánh của quần chúng nhân dân và báo chí. Theo báo cáo của các đơn vị, 6 tháng đầu năm chưa xử lý trường hợp vi phạm theo quy định 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ; chưa phát hiện trường hợp nào có dấu hiệu tội phạm qua hoạt động tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Qua thanh tra, có 2 vụ chuyển cơ quan điều tra. Công an TP khởi tố mới 8 vụ, 23 bị can; kết thúc điều tra chuyển Viện Kiểm sát đề nghị truy tố 18 vụ, 52 bị can, đình chỉ điều tra 1 vụ, 2 bị can; đang điều tra 10 vụ, 26 bị can; tài sản thu hồi 2.341 triệu đồng.
IMG_8745.JPGPhát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh chia sẻ với những khó khăn của đơn vị cũng như biểu dương những kết quả đạt được trong thời qua. Đồng thời, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu một số vấn đề đơn vị cần quan tâm thêm như sau: Về thanh tra, do khối lượng công việc nhiều, địa bàn quản lý rộng, chương trình kế hoạch chưa thể hiện tính chọn lọc, qua đó phản ánh tình hình quản lý kinh tế xã hội địa phương chưa sát thực tế; thanh tra diện rộng triển khai chậm; nên sâu sát hơn vấn đề quản lý, sử dụng đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản. Về giải quyết khiếu nại, tố cáo đã giải quyết khối lượng công việc nhiều nhưng cần rà soát lại các vụ việc theo Kế hoạch 2100 một cách cụ thể chính xác. Phòng, chống tham nhũng cần quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác phòng ngừa. Về xây dựng lực lượng, quan tâm, ưu tiên để đội ngũ cán bộ thanh tra đạt tiêu chuẩn, chất lượng.
Đối với phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Đức Hạnh đề nghị Thanh tra Hà Nội cần tập trung hoàn thành tốt kế hoạch 2014; thông qua quản lý địa phương, khảo sát xây dựng kế hoạch 2015 sát yêu cầu thực tiễn; chủ động tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để thực hiện tốt vấn đề xây dựng kinh tế chính trị xã hội ở địa phương; phối hợp tốt hơn với Thanh tra Chính phủ để giải quyết các vấn đề phức tạp; tiếp tục thực hiện Chỉ thị 14 của Chính phủ và Kế hoạch 2100 của Thanh tra Chính phủ, trong đó tập trung giải quyết các vụ việc theo Kế hoạch 2100. Ngày 1/7/2014 Luật Tiếp công dân có hiệu lực, cần chú ý tới mô hình tổ chức tiếp công dân, triển khai tốt Thông báo 178, 179 của Chính phủ; triển khai sớm Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị nhằm tăng cường hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thanh tra Chính phủ sẽ tăng cường quản lý nhà nước theo thẩm quyền và cùng địa phương đơn vị phối hợp tốt trong thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh đó Thanh tra Chính phủ sẽ từng bước kiến nghị, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật về ngành Thanh tra và nỗ lực hơn trong công tác đào tạo cán bộ.
IMG_8770.JPGPhó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh tiếp thu ý kiến phát biểu của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và có ý kiến chỉ đạo như sau: Số lượng công dân khiếu kiện tăng, đơn thư tăng. Với  chức năng quản lý nhà nước cần phân tích cụ thể các số liệu, để thấy được công tác tuyên truyền trên các lĩnh vực là chưa tốt. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều vấn đề, trong đó còn nặng về hết thẩm quyền; cần chú ý hơn tới đoàn đông người. Về phương hướng trong thời gian tới, tập trung hơn nữa trong việc tuyên truyền pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại; nâng cao chất lượng quản lý nhà nước của cơ quan chức năng và chất lượng tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt quan tâm tới các vụ việc tồn đọng kéo dài; chú ý hơn tới công tác thanh tra nợ đọng xây dựng cơ bản; đẩy mạnh thanh tra chuyên ngành đối với các lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản, văn minh đô thị nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực; thực hiện tốt kết luận thanh tra, chú ý thu hồi sau thanh tra. Phòng, chống tham nhũng, cần chặt chẽ hơn trong việc xây dựng các văn bản quy phạm, pháp luật; chú ý hơn tới quy trình giao dự án. Phó Chủ tịch UBND thành phố giao Thanh tra thành phố Hà Nội làm đầu mối rà soát lại toàn bộ các vấn đề, tham mưu với UBND để triển khai, chỉ đạo./.
 
                                                                                              Thanh Loan

VIDEO