Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Thanh tra Chính phủ họp báo định kỳ Quý II năm 2014

16/07/2014

Ngày 16/7, tại Hà Nội, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng và Ngô Văn Khánh đã chủ trì phiên họp báo thường kỳ của Thanh tra Chính phủ Quý II năm 2014 để thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí về kết quả công tác thanh tra 6 tháng đầu năm 2014 và kế hoạch công tác thanh tra 6 tháng cuối năm.

Sau khi nghe đại diện Thanh tra Chính phủ thông báo kết quả công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm của toàn Ngành và của cơ quan Thanh tra Chính phủ, các nhà báo đã đặt nhiều câu hỏi về lý do thanh tra một số Tập đoàn., Tổng công ty Nhà nước như: TCT Đường sắt; Bảo hiểm tiền gửi; TCT HUD…Kết quả thanh tra và việc xử lý sau thanh tra tại Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam ( VCCI ); việc thu hồi kinh tế sau thanh tra; trách nhiệm của Ban tiếp dân Trung ương trong việc kiểm tra, xử lý những thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước không chấp hành việc tiếp dân…
DSC02664.JPGDSC02677.JPG
Trả lời các câu hỏi liên quan tới lĩnh vực thanh tra và xử lý sau thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh khẳng định, tất cả các cuộc thanh tra đối với các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước mà Thanh tra Chính phủ đã và đang tiến hành đều nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2014 của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ đầu năm. Mục đích các cuộc thanh tra này là nhằm giúp Chính phủ trong công tác điều hành, quản lý tốt hơn đối với các Tập đoàn, TCT Nhà nước. Do những cuộc thanh tra này thường diễn ra trên diện rộng, liên quan đến nhiều Bộ, ngành nên quá trình hoàn thiện dự thảo kết luận thường phải xin ý kiến các bộ, ngành dẫn tới có chậm thời gian. Về thu hồi kinh tế, xử lý sau thanh tra đang là vấn đề quan tâm lớn của cả Ngành thanh tra cũng như Tổng Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên do tác động của suy thoái kinh tế nên việc thu tiền sai phạm phát hiện qua thanh tra đang gặp khó khăn. Trong tháng 8 này, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo vào công tác xử lý sau thanh tra, tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đối với các địa phương trong việc xử lý sau thanh tra…
DSC02678.JPGLiên quan tới cuộc thanh tra tại VCCI, ông Hoàng Đức Vinh, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng-Thanh tra Chính phủ cho biết, đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và cũng là lần đầu tiên Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra đối với một tổ chức phi chính phủ, độc lập, tự chủ về tài chính. Sau khi có dự thảo kết luận phải xin ý kiến nhiều bộ, ngành để thống nhất cách xử lý. Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm, khuyết điểm và có nhiều kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước kịp thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý đối với mô hình các tổ chức phi chính phủ kiểu như VCCI.
Trả lời các câu hỏi liên quan tới việc kiểm tra, giám sát và xử lý đối với thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước không chấp hành​ việc tiếp công dân theo quy định, ông Vũ Hồng Điệp, Trưởng Ban tiếp công dân Trung ương cho rằng, trước khi có Luật tiếp công dân, Thanh tra Chính phủ cũng như các cơ quan hành chính đã có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính các cấp trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhưng việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu chưa làm được do thiếu chế tài. Luật Tiếp công dân có hiệu lực thi hành sẽ tạo ra hành lang pháp lý để có thể xử lý đối với những thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước không tiếp dân theo quy định cũng như tăng cường sự kết nối giữa Ban tiếp công dân TW và Ban tiếp công dân ở các địa phương. Ban tiếp công dân TW sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác tiếp dân cũng như cùng với thủ trưởng các cơ quan hành chính cấp dưới tổ chức đối thoại với công dân, đề xuất hướng xử lý với một số vụ việc cụ thể, tránh tình trạng chỉ đơn thuần là tiếp dân rồi chuyển đơn.
DSC02663.JPGVề nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho biết, sẽ tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; Thanh tra chính phủ sẽ ban hành 10 kết luận thanh tra; dự kiến triển khai 6 cuộc thanh tra tại: TCT Đường sắt, Thanh hóa, Bình Phước; chế định bảo hiểm tiền gửi; thực hiện Luật Bảo hiểm xã hôi, Bảo hiểm y tế tại các doanh nghiệp…Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; thực hiện công khai kết luận thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử  lý về thanh tra.
Phó Tổng Thanh tra Trần Đức Lượng cũng cho biết một số ý kiến cho rằng qua công tác thanh tra, “phát hiện vi phạm thì nhiều nhưng chuyển cơ quan điều tra còn ít”. Ông Lượng nêu một số nguyên nhân khiến việc chuyển cơ quan điều tra chưa đáp ứng tình hình thực tế như hoạt động thanh tra có thời hạn, thời hiệu, năng lực chứng minh hành vi phạm tội của thanh tra viên không bằng điều tra viên nên việc làm rõ dấu hiệu vi phạm pháp luật rất khó khăn…
Đă​ng Khoa

VIDEO