Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng làm việc với đại diện OECD

04/04/2014

Ngày 2/4 tại trụ sở cơ quan Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đã làm việc với đại diện OECD và các bộ, ngành về chương trình kiểm tra liêm chính của của Tổ chức Hợp tác và phát triển Kinh tế (OECD).​

Tại buổi làm việc, ông William Loo, chuyên gia đánh giá pháp luật cao cấp của OECD đã giới thiệu về OECD, mục đích, chức năng của Tổ chức này và chương trình kiểm tra liêm chính của OECD. Ông Loo nhấn mạnh tới nhiều bộ công cụ mà OECD đã ấn hành cho các lĩnh vực hoạt động của mình. Trên cơ sở đó, OECD đã tập hợp lại thành bộ công cụ kiểm tra liêm chính để giúp Chính phủ các nước làm tốt hơn phần việc liên quan đến phòng, chống tham nhũng.
Về phương pháp kiểm tra liêm chính mà OECD thực hiện, quốc gia tham gia tự có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế của nước mình. Theo ông Loo, để thực hiện được chương trình kiểm tra liêm chính, ban đầu, các quốc gia tham gia phải xây dựng 1 nhóm công tác với 2 nhiệm vụ chính: Là đầu mối của quốc gia với OECD và điều phối tất cả các hoạt động về sau. Sau đó, các quốc gia phải tổ chức các buổi hội thảo chuẩn bị cho quá trình đánh giá. Để đánh giá được chuẩn xác, nhóm phải thu thập thông tin, tổng hợp lại để gửi về OECD. Dựa trên kết quả gửi về, OECD sẽ gửi chuyên gia đến giúp xây dựng báo cáo. Sau khi thống nhất, OECD sẽ đưa ra dự thảo báo cáo đầu tiên để xác định lĩnh vực cần cải thiện. Dự thảo này sẽ được các chuyên gia của OECD và quốc gia tham gia tiến hành trao đổi thống nhất, hoàn chỉnh và xuất bản. 
Ông Loo cho biết, chương trình kiểm tra liêm chính được chia làm 15 - 16 module khác nhau, mỗi module đề cập đến 1 lĩnh vực như: Chính sách thể chế; quản lý tài chính công; mua sắm công và vận động chính sách; thuế và quản lý thuế; chính sách về cạnh tranh; bảo vệ người tố cáo; chống hối lộ; hình sự hóa hành vi hối lộ… Nhưng tùy vào điều kiện thực tiễn nên mỗi quốc gia có quyền chọn một lĩnh vực nào đó để triển khai, không nhất thiết phải tất cả. Về mặt thời gian để kiểm tra liêm chính thường kéo dài từ 6 - 9 tháng, ngoài ra thời gian này có thể kéo dài hay rút ngắn cũng tùy thuộc vào lĩnh vực được lựa chọn và tính đặc thù ở mỗi quốc gia.
toan canh hop OEC.JPG
Khẳng định Chương trình kiểm tra liêm chính nằm trong sự chủ động của Chính phủ Việt Nam ông Loo cho biết, ở Đông Nam Á, đến thời điểm này chưa có quốc gia nào tham gia, nếu Việt Nam tham gia sẽ là quốc gia đi tiên phong. Một số nhà tài trợ như Anh, Bỉ đã sẵn sàng tài trợ kinh phí để Việt Nam tham gia không chỉ ở chương trình này mà cả trong những giai đoạn tiếp theo. Nếu được triển khai sẽ góp phần củng cố vào công cuộc PCTN mà Việt Nam đã làm từ trước đến nay, đồng thời thúc đẩy tiến trình này được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn, nhất là trong điều kiện Việt Nam tham gia đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về CTN”.
Qua nghe ông William Loo giới thiệu về chương trình kiểm tra liêm chính của OECD, đại diện các bộ, ngành tham gia buổi làm việc cũng đã có những ý kiến khác nhau về việc Việt Nam có hay không tham gia chương trình kiểm tra liêm chính của OECD. 
IMG_313.JPG
Dựa trên ý kiến của các đại biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng, nếu có thêm nghiên cứu như thế này để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật PCTN nói riêng thì đây cũng là việc làm tốt. Hiện nay, Việt Nam đang cần hoàn thiện tất cả hệ thống văn bản pháp luật theo tinh thần Hiến pháp mới, cả pháp luật tổ chức bộ máy Nhà nước, lẫn pháp luật chuyên ngành. Và Việt Nam vẫn là nước cần được hỗ trợ, nhất là trong điều kiện Việt Nam đã thoát khỏi danh sách nhóm quốc gia nghèo và lạc hậu, nhiều chương trình viện trợ bị cắt giảm, nếu tham gia, Việt Nam có sẽ thêm một nguồn viện trợ. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện thực tế của Việt Nam để tiếp tục cân nhắc, bàn thảo và có sự thống nhất giữa các Bộ, ngành. Vì vậy, TTCP sẽ có văn bản gửi các Bộ, ngành và tham khảo ý kiến của các bên liên quan để đưa ra quyết định cuối cùng vào thời gian sớm nhất, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
 
Thanh Loan

VIDEO