Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh làm việc với Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

02/10/2013

Ngày 01/10 tại Hà Nội, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Đức Hạnh đã có buổi làm việc với Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 1130/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ. Đồng chí Bùi Nguyên Súy, Phó ban Dân nguyện chủ trì buổi làm việc. Tham dự có đại diện Văn phòng Chính phủ;Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Ủy ban Dân tộc cùng các đồng chí cán bộ thuộc Ban Dân nguyện.

Nêu một số ý kiến định hướng nội dung buổi làm việc, đồng chí Bùi Nguyên Súy, Phó ban Dân nguyện cho biết để chuẩn bị báo cáo phục vụ cuộc họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời thực hiện việc giám sát của Quốc hội trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Ban dân nguyện chủ trì họp với các cơ quan về công tác này để xác định các vụ việc tồn đọng hiện nay đã giải quyết đến đâu? Như thế nào. Đánh giá kết quả 528 vụ việc, cần làm rõ những vụ việc nào là tồn đọng, kéo dài; bao nhiêu vụ việc khiếu nại, bao nhiêu tố cáo; cụ thể trên các lĩnh vực, thẩm quyền giải quyết; trách nhiệm thuộc cá nhân đơn vị nào...

Đồng chí Trần Đăng Vinh, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp, Thanh tra Chính phủ báo cáo tại buổi làm việc về kết quả giải quyết 528 vụ việc khiếu nại, tố cáo, tồn đọng, phức tạp kéo dài. Theo đó, tính đến ngày 15.8.2013 cả nước đã rà soát 528/528 vụ việc, đã xem xét, giải quyết 466/528 vụ việc. Đã ban hành thông báo chấm dứt thụ lý hành chính 371/528 vụ việc; công dân khởi kiện ra tòa 15/528 vụ việc; hiện nay còn 62/528 vụ việc đang tiếp tục giải quyết.

Từ kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Chỉ thị 14 và Kế hoạch 1130, Thanh tra Chính phủ đánh giá ưu điểm và khuyết điểm của công tác này như sau: Về ưu điểm, đã có sự quan tâm thực hiện của các ngành, các cấp; qua công tác giải quyết các vụ việc đã tác động tích cực đến tình hình và kết quả của công tác giải quyết KN,TC. Nhiều vụ việc được giải quyết, giải tỏa bức xúc trong nhân dân góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội. TTCP đã có chủ trương đúng, thực tế, đáp ứng được đòi hỏi bức xúc trong dư luận. Thanh tra, Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã có sự tham mưu tích cực trong việc triển khai Kế hoạch 1130. Bên cạnh đó, còn một số hạn chế, nhận thức của một số địa phương về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như mục tiêu, Kế hoạch 1130; tiến độ giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền còn chậm; việc ban hành các văn bản giải quyết, thông báo chấm dứt thụ lý còn chậm; việc thực hiện quy chình rà soát theo hướng dẫn có lúc còn lúng túng.

Từ việc đánh giá trên, TTCP đề ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Nêu ý kiến tại buổi làm việc đại biểu đề nghị, TTCP thông tin về chất lượng giải quyết các vụ việc; xác định trách nhiệm cá nhân tổ chức liên quan; tỷ lệ chi trả còn thấp; các vụ việc liên quan đến chính sách xã hội mong muốn được thông tin thêm. Báo cáo chi tiết về việc giải quyết các vụ việc, trong đó có bao nhiêu vụ việc tiêu cực, có bao nhiêu văn bản cần phải sửa. Đây là những vụ việc liên quan đến quyền giám sát của Quốc hội. Vấn đề dân tiếp khiếu đúng hay sai cũng phải nghiêm túc nhìn nhận. Đại biểu yêu cầu, TTCP quan tâm giải quyết các đơn thư mà đại biểu Quốc hội chuyển tới.



Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ đã nêu đầy đủ các vấn đề mà Ban dân nguyện yêu cầu. Qua đó, Phó tổng Thanh tra cho biết, trong 528 vụ việc thì 422 đất đai, nhà ở 42; chính sách 14, lĩnh vực khác 20. Xác định tồn đọng là tồn đọng trong thực tiễn, có những vụ việc kéo dài nhiều năm, qua các cấp giải quyết nhưng nhân dân vẫn tiếp khiếu. Từ việc tổng kết Kế hoạch 1130, Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch 2100/KH-TTCP, với quan điểm TTCP không làm thay các địa phương mà trọng tâm nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước của TTCP. Chất lượng các vụ việc giải quyết vẫn còn những băn khoăn; việc quy trách nhiệm làm được nhưng khó khăn, do có những vụ việc kéo dài, chưa làm rõ trách nhiệm. Đối với số tiền chi trả, hỗ trợ còn có vấn đề, TTCP sẽ xem xét báo cáo.


Ghi nhận các ý kiến của đại biểu đồng chí Bùi Nguyên Súy nhấn mạnh, qua nghe các ý kiến cũng như báo cáo của TTCP nội dung đi vào vấn đề cụ thể có trọng tâm. Đồng chí Phó trưởng Ban dân nguyện đánh giá TTCP đã có những giải pháp tích cực đó là rà soát cùng địa phương, đưa ra chủ trương đúng. Đánh giá cao TTCP về công tác giải quyết KN,TC, thanh tra trách nhiệm đồng chí Phó trưởng Ban dân nguyện cho rằng, báo cáo cần chi tiết hơn, không nên đưa khái niệm tồn đọng, phân định rõ ràng các lĩnh vực, để xác định thẩm quyền giải quyết. Đồng chí đề nghị, TTCP tính toán cân nhắc thêm về việc quy trách nhiệm trong giải quyết KN,TC, báo cáo rõ thêm số tiền hỗ trợ chi trả cho người dân. Và hoàn thiện số liệu, gửi lại Ban dân nguyện trong thời gian sớm nhất để Ban dân nguyện tổng hợp báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội. 

Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp trong lĩnh vực đất đai, đại diện Bộ Xây dựng báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc lĩnh vực Bộ quản lý trong thời gian từ tháng 9/2012 đến hết tháng 8/2013./.

Thanh Loan   


VIDEO