Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Lấy ý kiến về Dự thảo Nghị Định hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng

23/01/2013

Sáng 22/1, tại trụ sở Thanh tra Chính phủ, Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật PCTN đã họp xin ý kiến các bộ, ngành về Nghị Định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Đồng chí Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công An, Bộ Nội Vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,…cùng đại diện lãnh đạo một số cục, vụ đơn vị.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2013. Trong Luật này đã giao Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành 4 vấn đề sau:

Thứ nhất, về trách nhiệm của cơ quan có nghĩa vụ giải trình; trình tự, thủ tục của việc giải trình (Khoản 16 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng);

Thứ hai, về mức giá trị tài sản tăng thêm và việc xác định giá trị tài sản tăng thêm, thẩm quyền yêu cầu giải trình, trách nhiệm của người giải trình, trình tự, thủ tục của việc giải trình (khoản 18 Điều 1);

Thứ ba, về trình tự, thủ tục xác minh tài sản (khoản 21 Điều 1)

Thứ tư, về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ, chuyển vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng (khoản 22 Điều 1)

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng gồm 10 chương và 61 điều.

Theo Phó tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh: Về cơ bản Nghị định này vẫn giữ nguyên các quy định của Nghị định số 120/2006/NĐ-CP, ngày 20 tháng 10 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng vừa được Quốc hội thông qua không sửa đổi, bổ sung các nội dung này. Vì vậy, trong dự thảo Nghị định này chỉ bổ sung một chương để quy định chi tiết và hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm đình chỉ, chuyển vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, lợi ích khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng theo yêu cầu của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng.

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về trình tự, thủ tục, thời hạn tạm thời đình chỉ, chuyển vị trí công tác khác; việc hưởng lương, phụ cấp, quyền, lợi ích khác và việc bồi thường, khôi phục lại quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng. Các đại biểu xoay quanh các vấn đề như: Phạm vi điều chỉnh; các khái niệm “tạm đình chỉ” và “tạm thời chuyển vị trí công tác”; quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức tạm bị đình chỉ?; thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ công tác, quyết định tạm thời chuyển đổi vị trí công tác trong các cơ quan khác của nhà nước như Chánh án Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Tổng Kiểm toán Nhà nước, người đứng đầu cơ quan của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; về việc quản lý quỹ và sử dụng quỹ thi đua khen thưởng.

 Thanh Xuân


VIDEO