Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Họp Hội đồng thẩm định dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi)

14/12/2021

Ngày 10/12, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh chủ tịch Hội đồng thẩm định dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Luật Thanh tra (sửa đổi). Tham dự cuộc họp có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm; các thành viên Hội đồng thẩm định là đại diện một số Bộ, ngành liên quan.

Báo cáo với Hội đồng, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Thanh tra Chính phủ, ông Đinh Văn Minh cho biết Luật Thanh tra năm 2010 được Quốc hội thông qua ngày 15/11/2010 và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao hoạt động thanh tra, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đến nay Luật Thanh tra chưa có những quy định cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013, cụ thể như Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành TW khóa 12 yêu cầu: Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của Kiểm toán nhà nước và các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cấp để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ; Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành TW khóa 12 chỉ rõ nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất; theo chuyên đề, chuyên ngành, của cấp trên đối với cấp dưới; cấp dưới giám sát cấp trên; Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 02/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đặt ra yêu cầu đối với ngành Thanh tra thực hiện hiệu quả hơn các chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) gồm 8 chương và 120 điều, cụ thể như sau: Chương I. Những quy định chung; Chương II. Tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thanh tra nhà nước; cơ quan thanh tra chuyên ngành; Chương III. Thanh tra viên; Chương IV. Hoạt động thanh tra; Chương V. Thực hiện Kết luận thanh tra; Chương VI. Phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra; Chương VII. Điều kiện bảo đảm hoạt động của cơ quan thanh tra và Chương VIII. Điều khoản thi hành.

Tại Hội đồng thẩm định các đại biểu đã tập trung tham gia thảo luận, phân tích, góp ý nhiều vấn đề trong dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) liên quan đến sự cần thiết; đối tượng và phạm vi điều chỉnh; sự phù hợp của nội dung chính sách với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi... của dự thảo Luật.

Góp ý kiến tại Hội đồng, đại diện Bộ Nội vụ cho biết: Bộ Nội vụ cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), tuy nhiên theo đại diện Bộ Nội vụ Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) nên bỏ Chương Thanh tra nhân dân, vì đây là một thiết chế dân chủ cơ sở của cộng đồng, hoàn toàn khác về bản chất với hoạt động thanh tra nhà nước. Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và xã hội nhận định: Bộ Lao động, Thương binh và xã hội đồng thuận với quan điểm của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) theo hướng phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như việc đề cao vai trò và trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan quản lý nhà nước trong hoạt động thanh tra. Đại diện Bộ Tài chính nhất trí cao với Dự thảo, đồng ý với các quy định về cơ quan thanh tra trong Bảo Hiểm Xã hội Việt Nam để phục vụ cho công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội. Đại diện Bộ Ngoại giao và một số bộ ngành khác đề nghị xem xét lại tiêu chuẩn của Thanh tra viên chính và Thanh tra viên cao cấp.  

Sau khi nghe các ý kiến của thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đánh giá cao Thanh tra Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trong việc tiếp thu, điều chỉnh các vấn đề trong nội dung dự thảo Luật theo góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định trong suốt quá trình xây dựng Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Đối với hồ sơ dự thảo Luật, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho rằng, Thanh tra Chính phủ cân nhắc việc bổ sung báo cáo Chính phủ nhằm giải trình sự khác nhau giữa phạm vi điều chỉnh hiện nay và các chính sách đã được Chính phủ thông qua trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; nghiên cứu thống nhất với Bộ Nội vụ phương án báo cáo Chính phủ về vấn đề thanh tra nhân dân. Thứ trưởng cũng cho ý kiến cụ thể đối với vấn đề thanh tra chuyên ngành, tổ chức của cơ quan thanh tra... Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Thanh tra Chính phủ rà soát tổng thể các nội dung của dự thảo Luật với Luật xử lý vi phạn hành chính, Luật quản lý thuế, Luật bảo vệ môi trường, Luật chứng khoán và Bộ luật lao động.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cảm ơn các thành viên Hội đồng đã đóng góp vào nội dung Dự thảo Luật và khẳng định, Dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi) sẽ được tiếp thu theo ý kiến của Hội đồng thẩm định và trình Chính phủ trong tháng 12/2021 theo đúng Kế hoạch đặt ra.

                                                                                                     Hải Yến 


VIDEO