Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Họp bàn triển khai kế hoạch công tác thanh tra năm 2014

14/02/2014

Sáng ngày 13/2, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã chủ trì buổi làm việc về triển khai kế hoạch công tác thanh tra năm 2014. Tham dự có Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào, Ngô Văn Khánh, Lê Thị thủy, Trần Đức Lượng và đại diện Lãnh đạo một số cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.

Về kết quả thực hiện công tác thanh tra năm 2013, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp Lê Hồng Lĩnh báo cáo, các cục, vụ đã thực hiện 57 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó có 18 cuộc  thanh tra năm 2012 chuyển sang, 39 cuộc thanh tra năm 2013. Đến thời điểm hiện nay đã ban hành 18 kết luận. Công tác thanh tra tiếp tục được đẩy mạnh, đã tạo ra kết quả chuyển biến nhất định, việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình công tác thanh tra được chú trọng, triển khai các cuộc thanh tra bảo đảm đúng theo nội dung, yêu cầu và định hướng. Qua thanh tra, đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, đồng thời kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, trong ban hành chính sách, pháp luật, đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phòng, ngừa vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí.
dc Tranh cong tac 2014.jpg

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế như nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra chậm được triển khai theo kế hoạch; trình tự, thủ tục triển khai một số cuộc thanh tra chưa bảo đảm theo quy định; nội dung thanh tra chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, chưa sát với đề cương, kế hoạch đề ra; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự còn ít so với thực tế vi phạm; việc thu hồi tiền, tài sản qua thanh tra đạt tỷ lệ chưa cao; thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và xây dựng kết luận thanh tra nhiều cuộc bị kéo dài.

Đối với kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra năm 2014, Thanh tra Chính phủ sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chủ yếu là tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý vốn đầu tư, quản lý nợ công; tạm nhập, tái xuất; trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; việc sử dụng, quản lý vốn và tài sản Nhà nước tại các ngân hàng, các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp cổ phần có vốn Nhà nước; Chương trình mục tiêu quốc gia gắn với thanh tra việc thực hiện Nghị định số 43 của Chính phủ về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Tổ chức thanh tra chuyên đề diện rộng về bố trí nguồn vốn đầu tư và quyết toán vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ và Chỉ thị 14 của Thủ tướng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và quyết toán vốn các dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
toan canh cong tac 2014.jpg

Ý kiến các đại biểu tại buổi làm việc đa số đồng tình với bản dự thảo kế hoạch triển khai chương trình công tác thanh tra, kiểm tra năm 2014. Một số ý kiến khác cho rằng, tập trung làm rõ vì sao các cuộc thanh tra thực hiện còn chậm, còn kéo dài; đánh giá rõ hơn những mặt đã làm được cùng những tồn tại và hạn chế rút ra qua quá trình thanh tra cũng như thẩm quyền thanh tra đối với các đơn vị được thanh tra. Đồng thời, trao đổi về trình tự tiến hành cuộc thanh tra, mục đích và tiến độ thực hiện thanh tra; trách nhiệm của thành viên đoàn thanh tra, của trưởng đoàn thanh tra và của người ký kết luận thanh tra; về việc xây dựng kế hoạch thanh tra nếu không đúng, không trúng thì gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh, kết thúc thời gian nghỉ tết, các đơn vị bắt tay ngay vào công việc, sau ngày 15/2 sẽ tiến hành ra quân thực hiện công tác thanh tra. Đánh giá qua báo cáo cùng các ý kiến thảo luận trao đổi, rất sâu về mặt nghiệp vụ Tổng Thanh tra đề nghị, các đơn vị cần hết sức quan tâm tới các vấn đề được chỉ ra nhằm trao đổi, xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai. Vụ Kế hoạch Tài chính và Tổng hợp tiếp thu các ý kiến hoàn thiện dự thảo Kế hoạch thanh tra trình Tổng Thanh tra ký ban hành. Tổng Thanh tra cho rằng, kế hoạch thanh tra năm 2013 làm được nhiều, thực hiện nội dung thanh tra tương đối tốt, đạt được nhiều kết quả, được cấp trên tin tưởng, nhân dân đồng tình, dư luận quan tâm đánh giá cao; quá trình triển khai ngày càng chặt chẽ, đầy đủ hơn từ khảo sát đến kết luận, công bố kết luận thanh tra đã tuân thủ đúng pháp luật, chọn hình thức công bố hợp lý; chất lượng thanh tra được nâng lên; công tác giám sát thẩm định đã làm tốt vai trò tham mưu nói chung đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt xử lý sau thanh tra đạt được hiệu quả nhất định. Bên cạnh đó, còn những hạn chế như, một số cuộc thanh tra đơn vị đề xuất kế hoạch không sát với thực tế, không đúng với yêu cầu, không có căn cứ cụ thể, khi triển khai không có trọng tâm trọng điểm, không đúng thẩm quyền; chất lượng một số cuộc thanh tra chưa đúng trọng tâm những vấn đề dư luận quan tâm, ảnh hưởng đến chất lượng kết luận thanh tra; khâu dự thảo báo cáo đánh giá, tổng hợp đôi chỗ còn yếu; tiến độ một số cuộc thanh tra chậm; trách nhiệm trưởng đoàn chưa cao, vai trò của Thủ trưởng đơn vị chưa đầy đủ.

Đối với kế hoạch công tác thanh tra năm 2014, Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ đạo, các đơn vị phải có chủ trương, giải pháp để thực hiện; ngoài các cuộc thanh tra theo kế hoạch TTCP còn có quyền thanh tra theo luật định và theo yêu cầu cùng các vấn đề phát sinh từ thực tế; phải quan tâm trình tự, mục đích, thẩm quyền, quy mô của một cuộc thanh tra; tiến hành cuộc thanh tra phải có căn cứ, đúng pháp luật, đúng kế hoạch, vận dụng thực tế nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương; tiếp tục nâng cao chất lượng đoàn thanh tra; khắc phục về mặt tiến độ thời gian; quá trình thanh tra gắn với việc khắc phục hậu quả sai phạm của đơn vị; phát hiện sai phạm lớn chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý; phát huy vai trò Trưởng đoàn thanh tra, vai trò người đứng đầu đơn vị và vai trò giám sát đoàn thanh tra; quản lý chặt đoàn thanh tra về con người, hồ sơ, thông tin (giáo dục cán bộ công tâm khách quan, chống thỏa hiệp với đơn vị thanh tra để tránh tiêu cực); công bố kết luận thanh tra theo đúng quy định của pháp luật; quan hệ phối hợp giữa đối tượng thanh tra, với địa phương và trong nội bộ phải chặt chẽ; tổ chức phối hợp với các ngành và cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng lên để làm tốt hơn; phát huy vai trò của báo chí, Cổng thông tin điện tử trong việc tham mưa giúp Tổng Thanh tra Chính phủ công bố các thông tin của ngành Thanh tra đúng pháp luật, kịp thời, chính xác./.

Thanh Loan


VIDEO