Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội thảo hoàn thiện và công bố Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát về thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng

30/07/2015

Ngày 29/7, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức “Hội thảo hoàn thiện và công bố Báo cáo kết quả nghiên cứu, khảo sát về việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng”. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào chủ trì hội thảo.

Tham dự hội thảo có đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP); lãnh đạo đơn vị và phòng ban chuyên môn của các Bộ, ngành Trung ương, Ban Nội chính và Thanh tra một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; các đại biểu đại diện một số tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, cơ quan báo chí của Trung ương và của Thanh tra Chính phủ; chuyên gia tư vấn hỗ trợ Viện Khoa học Thanh tra trong quá trình xây dựng Dự thảo báo cáo khảo sát; đại diện Lãnh đạo các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ.
Phát biểu khai mạc hội thảo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào cho biết, Việt Nam đang khẩn trương tổng kết, đánh giá lại các nỗ lực phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, thực tế đòi hỏi Chính phủ Việt Nam nói chung, các cơ quan chức năng về phòng, chống tham nhũng của Việt Nam nói riêng, trong đó có Thanh tra Chính phủ cần phải có những chiến lược dài hạn cùng với những giải pháp tổng thể và biện pháp cụ thể để nâng cao năng lực thực thi Công ước.

Để thực hiện nghiên cứu trên, hoạt động khảo sát được tiến hành thực địa tại 5 địa phương, 8 bộ ngành, đồng thời khảo sát thông qua phiếu hỏi được gửi đến 16 bộ, ngành, một số sở, ngành của 58 tỉnh, thành phố với 2 nhóm đối tượng tham gia cuộc khảo sát: cán bộ, công chức và người dân. Kết quả khảo sát chỉ ra rằng có sự khác nhau trong cảm nhận và đánh giá giữa đối tượng cán bộ, công chức và người dân về một số lĩnh vực.

Cụ thể, đối với vấn đề kê khai tài sản, thu nhập: có 81% công chức, viên chức được hỏi đánh giá tích cực về việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập, nhưng chỉ nhận được sự đồng tình của 35,6% người dân khi nhìn nhận về vấn đề này; Về hiệu quả của việc kê khai tài sản, thu nhập nhằm phòng ngừa xung đột lợi ích, có 17,5% công chức, viên chức cho rằng biện pháp này không có tác dụng; 60,6% chỉ có tác dụng phần nào và 20,1% có tác dụng.

Trong khi đó, 21,3% người dân cho rằng không có tác dụng; 36,7% có ít tác dụng và 30% có tác dụng. Điều này cũng phù hợp với những báo cáo chính thức của cơ quan có trách nhiệm và nhận định biện pháp kê khai tài sản hiện nay còn mang tính hình thức, ít tác dụng. Mặc dù việc kê khai tài sản đã dần đi vào nề nếp, nhưng số vụ việc phát hiện tham nhũng hoặc ít nhất là kê khai thiếu trung thực và bị xử lý là rất ít, mỗi năm chỉ một vài vụ, một tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng gần một triệu bản kê khai tài sản. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, đa số người được hỏi về việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức cho rằng việc kê khai chỉ có hiệu quả khi chúng ta có đủ điều kiện để kiểm soát tài sản, thu nhập của toàn xã hội.

Về hiệu quả thu hồi tài sản: có 12,9% công chức, viên chức được hỏi cho rằng hiệu quả, 17,1% cho rằng không hiệu quả và có đến 60,8% nhận định chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định. Từ phía người dân, số người cho rằng hiệu quả trong thu hồi tài sản tham nhũng đạt 28,4%, số lượng cho rằng không hiệu quả là 24,5% và chỉ hiệu quả trong một vài trường hợp nhất định là 43,6%.

Về việc thực hiện chế độ tuyển dụng: có khoảng 35% cán bộ, công chức cho rằng chỉ đáp ứng phần nào, trong khi về phía người dân có 13,3% người được hỏi cho rằng chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm chức vụ đối với công chức, viên chức không đáp ứng được các tiêu chí công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật.

Trong phần thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến đóng góp về kết cấu và nội dung của dự thảo Báo cáo. Theo đó, đại diện của UNDP bà Sara cho rằng, dự thảo Báo cáo cần làm rõ hơn sự tham gia của xã hội trong hoạt động PCTN ở mặt phòng hay chống. Đồng thời, việc có được công cụ pháp luật tốt chưa hẳn đã đồng nhất với việc triển khai tốt trong thực tế đối với công tác PCTN. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến băn khoăn về phạm vi của cuộc khảo sát mới chỉ tiến hành ở phạm vi hẹp, chưa đại diện cho toàn quốc.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào nhấn mạnh, dự thảo Báo cáo khảo sát sẽ là một trong số các kênh thông tin để Việt Nam tiếp tục triển khai việc thực thi Công ước của Liên hợp quốc về PCTN, qua đó nhằm tổng kết Luật PCTN tiến tới việc xây dựng Luật sửa đổi Luật PCTN trong thời gian tới. Kết quả khảo sát tương đối đúng với thực tế khách quan mặc dù có sự khác nhau về cảm nhận của người dân và cán bộ, công chức. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp của đại biểu tham dự Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào yêu cầu, Viện Khoa học Thanh tra tiếp thu nhằm hoàn chỉnh kết quả báo cáo khảo sát trước khi chính thức tiến hành công bố rộng rãi./.

Thanh Loan

VIDEO