Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội thảo góp ý Báo cáo tổng thuật đề tài khoa học cấp bộ

15/05/2015

Ngày 15/5/2015, Ban chủ nhiệm đề tài khoa học cấp bộ: “Thanh tra công vụ ở Việt Nam giai đoạn hiện nay” tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp nội dung Báo cáo tổng thuật. Đề tài do TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra làm chủ nhiệm.

TS. Nguyễn Tuấn Khanh, chủ nhiệm đề tài cho biết thanh tra công vụ đã được đề cập trong thực tiễn tuy nhiên, vấn đề thanh tra trách nhiệm công vụ của các cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước chưa được đặt ra. Trong thực tiễn, Thanh tra công vụ được xác định là hình thức đặc thù của hoạt động nội vụ và cũng là hình thức thanh tra song chưa được xác định cụ thể trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào về hoạt động thanh tra, đồng thời nhìn từ góc độ nghiên cứu khoa học, chưa  có đề tài nào nghiên cứu riêng về vấn đề này. Theo đó, thực tiễn đòi hỏi phải nghiên cứu cả phương diện lý luận và thực tiễn hoạt động thanh tra công vụ ở Việt Nam để góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý của hoạt động này. Trước những vấn đề chung đặt ra, việc nghiên cứu đề tài cấp bộ: “Thanh tra công vụ ở Việt Nam giai đoạn hiện nay” là cần thiết.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài sẽ góp phần làm rõ những vấn đề lý luận cơ bản nhất về hoạt động thanh tra công vụ; đánh giá thực trạng hoạt động công vụ hiện nay, từ đó đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra công vụ góp phần nâng cao chất lượng thực thi công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Ban chủ nhiệm đề tài nêu quan điểm cho rằng, việc đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra công vụ cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra công vụ góp phần thực hiện chức năng kiểm soát hoạt động hành pháp theo tinh thần Hiếp pháp năm 2013; đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra công vụ gắn liền với kiện toàn tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, đặc biệt là yêu cầu của cải cách hành chính; hoạt động thanh tra công vụ cần gắn bó chặt chẽ với quá trình xem xét, đánh giá việc thực thi công vụ của cơ quan quản lý, cán bộ, công chức có thẩm quyền trong cơ quan quản lý có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo ý kiến của các đại biểu, việc nghiên cứu về quan niệm, mục đích của thanh tra công vụ chỉ bó hẹp trong Điều 74 và Điều 75 của Luật cán bộ, công chức là không khả thi. Song, việc mở rộng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế trong bối cảnh hiện nay có được chấp nhận hay không còn là vấn đề nhiều đại biểu băn khoăn. Các khái niệm trong nội dung về những vấn đề lý luận cơ bản về thanh tra công vụ trên thực tiễn vẫn còn tranh cãi. Chính vì vậy, Ban chủ nhiệm đề tài cần nêu rõ hơn quan điểm về việc nghiên cứu vấn đề này. Đối với phần giải pháp, đề tài cần đưa ra lộ trình thực hiện trong đó vấn đề cần giải quyết trước mắt là làm rõ nội hàm của thanh tra công vụ./.

Thanh Loan


VIDEO