Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội nghị giao ban Thanh tra Bộ, ngành Quý I/2015

03/04/2015

Ngày 2/4, tại Vĩnh Phúc, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị giao ban Thanh tra các bộ, ngành Trung ương Quý I/2015. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào dự và chủ trì hội nghị. ​

Theo báo cáo, Quý I/2015, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các bộ, ngành Trung ương đã  triển khai 66 cuộc thanh tra hành chính và 8.281 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 3,1 nghìn tỷ đồng, 18 ha đất; đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước hơn 1,7 nghìn tỷ đồng, 18 ha đất; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 431,5 tỷ đồng; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 6 vụ, 7 tổ chức, cá nhân. Riêng TTCP đã ban hành kết luận 10 cuộc thanh tra, 2 kết luận kiểm tra; xây dựng báo cáo và hoàn thiện 11 kết luận thanh tra, 1 kết luận kiểm tra; tiếp tục tiến hành 13 cuộc thanh tra; qua 10 cuộc thanh tra đã có kết luận, phát hiện sai phạm về kinh tế số tiền hơn 683,5 tỷ đồng, 18 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 252 tỷ đồng, 18 ha đất; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý số tiền 431,5 tỷ đồng; kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có vi phạm; chuyển cơ quan điều tra 6 vụ, 7 tổ chức, cá nhân. 

Về công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, Trụ sở tiếp dân của Trung ương tiếp 5.022 lượt người, 145 đoàn đông người, với 1.470 vụ việc; các bộ, ngành đã tiếp 4.437 lượt công dân (chiếm 6%, giảm 33% so với Quý I năm 2014), với 849 vụ việc; TTCP đã xử lý 2.912/3.215 đơn tiếp nhận, các bộ, ngành đã xử lý được 3.054/6.301 đơn thư tiếp nhận; TTCP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm tra, xác minh, kết luận đối với 22 vụ việc KN,TC được giao; hoàn thiện báo cáo 11 vụ việc, đang kiểm tra, xác minh 22 vụ việc; các bộ ngành đã giải quyết 1.551/2.049 vụ việc KN,TC thuộc thẩm quyền; kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho công dân 952 triệu đồng; trả lại quyền lợi cho 24 người, kiến nghị xử lý hành chính 8 người (đã xử lý 5 người); đã giải quyết 510/528 vụ việc theo Kế hoạch 1130; kiểm tra, rà soát 532 vụ việc theo Kế hoạch 2100, trong đó có 241 vụ việc đủ điều kiện chấm dứt thụ lý.
Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Lãnh đạo Thanh tra một số bộ, ngành đều đồng tình với báo cáo kết quả công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN Quý I của TTCP và nêu lên những khó khăn, vướng mắc, những nhiệm vu trọng tâm cần bổ sung trong công tác thanh tra, giải quyết KN,TC tại đơn vị mình đồng thời đề cập đến mối quan hệ giữa TTCP với Thanh tra các bộ, ngành và giữa Thanh tra Bộ, ngành với các địa phương. Theo đó, mặc dù thời gian qua, TTCP và các bộ, ngành đã có những giải pháp nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo giữa Thanh tra với Kiểm toán, nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn còn diễn ra. Các đại biểu hy vọng, Quy chế phối hợp giữa TTCP với Kiểm toán Nhà nước sẽ sớm phát huy được tác dung nhằm hạn chế tình trạng chồng chéo.  Các đại biểu cũng kiến nghị TTCP tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn Thanh tra các bộ, ngành thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Hào đã trao đổi, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất của Thanh tra các bộ, ngành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng như một số nhiệm vụ trọng tâm cần chú ý trong thời gian tới.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh đánh giá cao các ý kiến tham luận tại Hội nghị và khẳng định, những ý kiến này thể hiện tinh thần trách nhiệm trong công tác thanh tra, giải quyết KN,TC và PCTN. Tổng Thanh tra Chính phủ cũng thông tin nhanh một số nội dung liên quan đến toàn Ngành và chỉ ra một số hạn chế, tồn tại cần được quan tâm khắc phục như: Một số cuộc thanh tra kết luận chậm; xử lý sau thanh tra kết quả còn thấp; tình hình KNTC vẫn phức tạp...Tổng Thanh tra đề nghị, trong quý II, về công tác thanh tra, các bộ, ngành cần tập trung thực hiện theo kế hoạch thanh tra 2015 (gắn với thanh tra đột xuất); quan tâm cả thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; thanh tra hành chính phải bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, chú ý các lĩnh vực có nhiều vi phạm, tiêu cực, tham nhũng; thanh tra chuyên ngành cần quan tâm đến các vấn đề dư luận xã hội quan tâm; kết luận thanh tra phải đúng pháp luật, khách quan, chính xác, kịp thời, bảo đảm phù hợp thực tế để có tính khả thi; quá trình thanh tra chú ý thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền, trình tự, thủ tục; tăng cường hoạt động xử lý sau thanh tra để tăng tỷ lệ thu hồi về kinh tế; chú trọng công tác thông tin, báo cáo kịp thời với TTCP để phục vụ tốt công tác quản  lý Nhà nước của TTCP.
Về công tác giải quyết KN,TC, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, cần nâng cao chất lượng tiếp công dân thường xuyên, định kỳ, đột xuất; chú ý tăng cường đối thoại, hướng dẫn, giải thích pháp luật; nâng cao nhận thức của công dân, phấn đấu giảm tỷ lệ công dân khiếu nại sai, tố cáo sai; nâng cao trách nhiệm giải quyết KN,TC; các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn trong giải quyết khiếu nại trên lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công; hoàn thành dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo kế hoạch 1130; hỗ trợ các địa phương trong xem xét, giải quyết các vụ việc theo kế hoạch 2100; các bộ được địa phương xin ý kiến về giải quyết các vụ việc KNTC thì sớm có văn bản trả lời, không để địa phương chờ đợi lâu...
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra chính phủ lưu ý, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN ; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng; nếu phát hiện dấu hiệu tham nhũng, đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì kịp thời chuyển ngay cho cơ quan điều tra xử lý...

VIDEO