Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng của Hàn Quốc

16/12/2015

Ngày 15/12, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Chia sẻ kinh nghiệm đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo phương pháp của Hàn Quốc với sự tham gia của đại diện Văn phòng UNDP tại Việt Nam; Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền Hàn Quốc cùng đại diện một số cơ quan Trung ương, tỉnh, thành phố phía Bắc.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, Hội nghị lần này nhằm chia sẻ những kinh nghiệm khi triển khai Dự án đánh giá công tác PCTN (AIA) của Ủy ban Chống tham nhũng và Dân quyền của Hàn Quốc(ACRC); là diễn đàn để trao đổi, thảo luận, chia sẻ về những khó khăn, thách thức trong việc đánh giá công tác PCTN tại Việt Nam cũng như của Hàn Quốc; đề ra một số giải pháp để khắc phục những khó khăn thách thức nhằm  hướng  tới  việc xây dựng một hệ thống đánh giá công tác​ PCTN phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đ​ây cũng là dịp tham vấn, lấy ý kiến của các chuyên gia để hoàn thiện Bộ Công cụ đánh giá PCTN nhằm điều chỉnh phù hợp với bối cảnh Việt Nam.Chia sẻ về thực trạng công tác PCTN tại Việt Nam, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, tình hình tham nhũng hiện nay đã có bước kiềm chế trên một số lĩnh vực; tuy nhiên, tham nhũng vẫn còn phức tạp tại nhiều cấp ngành, địa phương và các lĩnh vực như đất đai, tài nguyên, xây dựng, ngân hang; hành vi tham nhũng lại rất tinh vi và khó phát hiện; hiện nay, phía Việt Nam đã có nhiều giải pháp PCTN như: Tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục đạo đức; công khai minh bạch hoạt động; trách nhiệm giải trình; xây dựng chế độ tiêu chuẩn định mức, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tốt, xét xử… Các giải pháp được triển khai đồng bộ trên diện rộng. Tuy nhiên, nhiều biện pháp vẫn chưa đạt hiệu quả cao; công tác PCTN của Việt Nam đang gặp một số khó khăn, thách thức như thiếu kinh nghiệm tổ chức các chương trình phòng ngừa, nâng cao nhận thức của công chúng về PCTN; kiểm soát xung đột lợi ích chưa đạt hiệu quả; chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập; cơ chế theo dõi đánh giá nỗ lực PCTN theo hệ thống khu vực và từng đơn vị còn hạn chế.
Chia sẻ về kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác PCTN, Đại diện Đoàn Công tác ACRC cho biết, Hàn Quốc nhận thức rõ rằng loại bỏ tham nhũng là điều kiện tiên quyết của một quốc gia phát triển; để làm được điều này cần tăng cường đánh giá các nỗ lực liêm chính để hỗ trợ chính sách một cách thống nhất và có sự tiếp nối do vậy, từ năm 2002, Hàn Quốc đã triển khai AIA qua đó đem lại nhiều tích cục trong công cuộc PCTN.
Đại diện ACRC đã trình bày tổng quan về phương pháp đánh giá, cơ sở pháp lý; các tổ chức và các nhóm đối tượng đánh giá; chi tiết và phương pháp đánh giá; quy trình và hệ thống điều hành đánh giá; kết quả đánh giá; sử dụng kết quả đánh giá; những bài học kinh nghiệm.. Theo đó, một số tổ chức công được xác định cần được đánh giá như: các tổ chức được thành lập với mục đích công, sử dụng ngân sách do người dân đóng góp. Thêm vào đó, các tổ chức mà người dân đương nhiên cần sự liêm chính tại đây, các thành viên của tổ chức thường liên quan đến vụ án tham nhũng và những tổ chức được đánh giá là khó có thay đổi từ bên trong nhằm chống tham nhũng thì đều thuộc trường hợp cần đánh giá. Theo đại diện của ACRC, hoạt động đánh giá của AIA đem lại sự trông đợi về phản hồi đối với các hoạt động PCTN, cơ hội để xem xét lại các biện pháp PCTN hiện thời và đưa tin về các hoạt động tốt trong lĩnh vực PCTN; 
Đại diện Thanh tra Chính phủ giới thiệu Thông tư 04/2014/TT-TTCP quy định về nhận định tình hình tham nhũng và đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; so sánh giữa Thông tư và phương pháp đánh giá PCTN của Hàn Quốc; nêu một số ý kiến dự thảo phương pháp đánh giá PCTN phù hợp với bối cảnh của Việt Nam hiện nay.
Tại Hội nghị các chuyên gia đến từ Hàn Quốc và Việt Nam đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu. Đại diện của ACRC khẳng định, AIA hẳn nhiên không phải thuốc chữa “bệnh” tham nhũng vì AIA cũng có những điểm chưa hoàn hảo, cũng như những chính sách chống tham nhũng khác, tuy nhiên, AIA có thể khuyến kích các nỗ lực PCTN trong các tổ chức công, đồng thời, bày tỏ sự tin tưởng phía Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống đánh giá các nỗ lực PCTN có sáng tạo, phù hợp thông qua nghiên cứu xã hội, tổ chức và con người.
 

VIDEO