Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Các nhà tài trợ quốc tế đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

17/08/2012

Ngày 15/8 tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các nhà tài trợ quốc tế về Dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh và Trần Đức Lượng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các đối tác phát triển quốc tế: Bộ phát triển quốc tế Vương quốc Anh, Cơ quan phát triển quốc tế Úc, Cơ quan Liên hợp quốc về chống tội phạm và ma túy, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hướng tới minh bạch; thành viên Tổ biên tập Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thanh cho biết, TTCP được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương của Việt Nam đang khẩn trương xây dựng Luật phòng, chống tham nhũng (LPCTN) (sửa đổi) để trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ tư (cuối tháng 10 năm 2012). Trong thời gian qua, TTCP đã triển khai nhiều hoạt động để xây dựng dự thảo Luật sửa đổi một cách có chất lượng và đúng tiến độ đề ra, trong đó có việc lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, của nhân dân và các đối tác phát triển quốc tế tại Việt Nam.

Bên cạnh đó đồng chí Nguyễn Văn Thanh cũng khẳng định sự cần thiết xây dựng LPCTN (sửa đổi) đó là: LPCTN đã được ban hành từ năm 2005 và qua 05 năm thực hiện, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước còn hạn chế, đặc biệt là việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác kê khai tài sản, thu nhập tuy đã được triển khai trên diện rộng nhưng còn hình thức; việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị còn khó thực hiện...; Nhiều chủ trương quan trọng của Đảng chưa được thể chế hóa trong LPCTN, như mở rộng diện kê khai tài sản, thu nhập; giải trình về nguồn gốc tài sản tăng thêm; các biện pháp áp dụng đối với người có dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; đổi mới mô hình và tổ chức, hoạt động của cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo và cơ quan thường trực, tham mưu về công tác PCTN....; Một số quy định của LPCTN chưa phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên, như  vấn đề bảo vệ người tố cáo và các biện pháp khuyến khích sự tham gia của công chúng vào phòng, chống tham nhũng.

Hội nghị đã nghe đồng chí Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, TTCP trình bày những nội dung cần sửa đổi LPCTN (sửa đổi) như, sửa đổi bổ sung một số quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; quy định về trách nhiệm giải trình; một số quy định về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; quy định về tài sản, thu nhập phải kê khai; quy định về giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm; quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng và các biện pháp tạm thời áp dụng khi cán bộ, công chức, viên chức có dấu hiệu tham nhũng; các quy định về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong chỉ đạo, quản lý nhà nước về PCTN.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đại diện các đối tác phát triển cho rằng có rất nhiều vấn đề cần quan tâm trong dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) như: vấn đề từ nhận thức của Chính phủ Việt Nam tới hành động trong PCTN; PCTN trong khu vực tư; tăng cường các chế tài đủ mạnh trong dự thảo Luật để bảo đảm tính thực thi của Luật; mối quan hệ của Luật PCTN (sửa đổi) với Bộ luật hình sự và phương án sửa đổi Bộ luật hình sự trong thời gian tới để hình sự hóa một số hành vi tham nhũng; vấn đề thu hồi tài sản do tham nhũng mà có; hệ thống các cơ quan chuyên trách về PCTN... Các đối tác phát triển cũng dẫn chiếu một số quy định của pháp luật về PCTN của Hồng Kông, Singapore, Inđônêxia và cho rằng, tuy không thể so sánh giữa pháp luật PCTN của Việt Nam với pháp luật PCTN của các nước khác và cũng không thể mang pháp luật PCTN của nước khác áp dụng vào Việt Nam nhưng các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cũng nên nghiên cứu để tham khảo và vận dụng cho phù hợp.

Ý kiến của Văn phòng Tổng trưởng lý Úc tập trung chủ yếu vào vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng. Trong đó họ cho rằng Việt Nam nên tham khảo quốc tế về hệ thống pháp luật thu hồi tài sản hiệu quả về một số yếu tố như: Thẩm quyền điều tra để truy tìm các lợi ích và phương tiện của tội phạm; Bảo quản tài sản; Quản lý tài sản bị phong tỏa và thu giữ; Tịch thu/tước đoạt tài sản. Đại diện của Ngân hàng thế giới cho rằng, Luật PCTN năm 2005 là một bước tiến lớn của Chính phủ Việt Nam thể hiện quyết tâm PCTN, trong đó có vấn đề công khai, minh bạch. Tuy nhiên, việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định và người dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận những thông tin liên quan đến các lĩnh vực của đời sống, nhất là lĩnh vực đất đai... Do đó, Đại diện của Ngân hàng thế giới đề nghị cần phải tăng cường hơn nữa các quy định về công khai, minh bạch trong dự thảo Luật lần này.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh khẳng định những ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu đã thể hiện sự quan tâm của các đối tác phát triển tới công tác PCTN của Chính phủ Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo TTCP, đồng chí Nguyễn Văn Thanh cảm ơn các đối tác phát triển và bày tỏ mong muốn được lắng nghe thêm nữa những bình luận, góp ý của các đại biểu trong thời gian tới để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi), trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành trong thời gian tới./.

Thanh Loan
 

VIDEO