Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Hội thảo khoa học: Đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra

Phát biểu dẫn đề tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh nhấn mạnh, trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, ngành Thanh tra đã khẳng định được vị trí, vai trò và tầm quan trọng to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước qua các giai đoạn lịch sử; đã có những phát triển vượt bậc cả về nhận thức và thực tiễn tổ chức, hoạt động. Đến thời điểm hiện tại, đã hình thành một hệ thống thanh tra nhà nước tương đối toàn diện, đồng bộ, chuyên sâu và vận hành chuyên nghiệp trên các lĩnh vực của quản lý nhà nước.

Hiện nay, trước yêu cầu của thực tiễn, Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra đang đứng trước thời cơ và thách thức đổi mới toàn diện về nội dung, phương thức hoạt động nhằm phục vụ có hiệu quả công tác tham mưu cho Đảng, Quốc hội; phục vụ trực tiếp công tác quản lý điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và hỗ trợ, bảo đảm phát triển lành mạnh, bền vững của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Do đó, yêu cầu củng cố, phát triển tổ chức và hoạt động của ngành Thanh tra lên một tầm cao mới trên nền tảng truyền thống và dựa trên các cơ sở khoa học thực sự vững chắc là khách quan và bức thiết.

Tại hội thảo, các đại biểu đều khẳng định đến nay, thanh tra nhà nước tương đối toàn diện, đồng bộ, chuyên sâu và vận hành chuyên nghiệp trên các lĩnh vực của quản lý nhà nước. Đồng thời, nhấn mạnh ngành Thanh tra đã và đang tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trong hệ thống chính trị Việt Nam trước bối cảnh lịch sử mới, góp phần làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn của việc đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tham luận làm rõ hơn mục tiêu, yêu cầu, nội dung và phương thức đổi mới tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra góp phần xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ nhân dân.

Ghi nhận ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh khẳng định, những ý kiến chia sẻ đó tạo ra sự tin tưởng về nghề, về những cống hiến của cán bộ, công chức ngành Thanh tra trong suốt chiều dài lịch sử 75 xây dựng và phát triển.

Đối với việc xây dựng Luật Thanh tra mới, Phó Tổng Thanh tra chia sẻ, qua thực tiễn tổng kết Luật Thanh tra 2010 cho thấy, hàng năm Thanh tra và Kiểm toán ngoài việc phát hiện sai phạm liên quan đến ngân sách quốc gia còn kiến nghị, xử lý nhiều cán bộ, thu hồi về ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện trạng chồng chéo trong thanh tra và kiểm toán vẫn còn hiện hữu, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai, tài chính.

Theo đó, Luật mới cần thể hiện rõ công tác thanh tra là công cụ quản lý chuyên nghiệp và xác định cụ thể 04 chức danh quản lý và chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhân dân, đó là:  Thủ tướng, Tổng Thanh tra, Bộ trưởng và Chủ tịch các tỉnh.

Đồng thời, tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ công chức thanh tra với việc đưa ra các quy định về quản lý các chức danh, nhất là các chức danh lãnh đạo cơ quan thanh tra nhà nước. Thanh tra sở chỉ tổ chức ở một số nơi và trong một số lĩnh vực cần thiết, lĩnh vực nào không có thanh tra sở thì thanh tra tỉnh đảm nhiệm chức năng thanh tra chuyên ngành. Thanh tra tỉnh sẽ được tổ chức thành các đơn vị để phụ trách địa bàn.

Trong Luật cũng nêu những quy định mới về thanh tra viên; về bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra. Đồng thời, Luật cũng phân định rõ thẩm quyền xử lý đối với các đối tượng bị thanh tra, có phương án, lộ trình để đối tượng thanh tra khắc phục hạn chế, khuyết điểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

VIDEO