Báo cáo về kết quả công tác tiếp công dân, Phó Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Văn Hòa, phụ trách Trụ sở Tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết: Đây là mô hình tiếp công dân theo Đề án số 858/QĐ-TTg ngày 14/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đổi mới công tác tiếp công dân”, với 3 cơ quan là Ban Dân nguyện của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ, với 10 cán bộ thường trực tiếp công dân thường xuyên. Từ cuối năm 2010 đến cuối năm 2013, Trụ sở đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng đã tiếp 15.915 lượt công dân với 5.270 vụ việc. So với các năm trước, tình hình khiếu nại ở một số địa bàn có giảm, nhưng về tổng quan thì tình hình khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi, có lúc, có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là: Số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ khiếu kiện thiếu kiềm chế; khiếu nại, tố cáo vượt cấp lên Trung ương tăng, đặc biệt nổi lên một số vụ việc có nhiều người khiếu nại; nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước, đã được các cấp chính quyền xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn không nhất trí vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất để thực hiện dự án tại các địa phương; có hiện tượng những người, nhóm người khiếu nại "liên kết" với nhau để khiếu nại đông người nhằm tạo thêm sức ép lên các cơ quan Đảng và Nhà nước; một số trường hợp biểu hiện cho thấy có sự xúi giục, kích động của các thế lực thù địch nhằm lôi kéo những người khi khiếu nại liên kết đông người có những hành vi quá khích, gây rối… Nội dung khiếu nại của công dân tập trung chủ yếu liên quan đến đất đai trong đó, tập trung nhiều nhất là khiếu nại việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, khiếu nại đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai trong nhân dân qua các thời kỳ, khiếu nại trong hoạt động tư pháp. Nội dung tố cáo chủ yếu là tố cáo cán bộ mất dân chủ, lợi dụng chức quyền để tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai, trong quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; trù dập người khiếu kiện, bao che cho cán bộ dưới quyền; cố ý làm sai lệch hồ sơ, áp dụng pháp luật không đúng trong hoạt động tố tụng, gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Tại buổi làm việc, các thành viên của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã chất vấn một số vấn đề liên quan đến cơ chế phối hợp trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo khi Luật Tiếp công dân có hiệu lực từ 1/7/2014; chất lượng giải quyết và trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố. Giải thích đầy đủ về cơ chế phối hợp cũng như trách nhiệm của Trụ sở do Thanh tra Chính phủ phụ trách với sự tham gia của Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện Quốc hội, Phó Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Văn Hòa cho rằng: Để đánh giá đúng thực chất trách nhiệm và chất lượng tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thì cần tăng cường thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo…
Đánh giá cao về nội dung buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Kim Hồng khẳng định: Phần lớn nội dung chất vấn của các thành viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã được cán bộ Trụ sở giải đáp đầy đủ, có tính thuyết phục, phù hợp thực tiễn. Quan điểm của Ủy ban Tư pháp Quốc hội là ghi nhận hiện trạng áp dụng pháp luật trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo để đánh giá đúng nguyên nhân khách quan, chủ quan, từ đó có kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có chỉ đạo kịp thời lĩnh vực công tác này, góp phần giữ ổn định an ninh trật tự, phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước./
Giang Khoa