Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Ủy Ban Thanh tra của Chính phủ (thời kỳ 1960-1965)

07/10/2020

Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 18/LCT công bố Luật Tổ chức Hội đồng Chính phủ, trong đó có Ủy ban Thanh tra của Chính phủ. Ngày 29/9/1961, Thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đẩy mạnh công tác thanh tra, Hội đồng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 136/CP quyết định thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ thay cho Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ và quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của cơ quan này. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử giữ chức Tổng Thanh tra, đồng chí Trần Mạnh Quỳ được cử giữ chức Phó Tổng Thanh tra và hai đồng chí: Nguyễn Cáo, Đặng Văn Quang được cử giữ chức Ủy viên thanh tra.

Nghị định của Chính phủ nêu rõ: “Ủy ban Thanh tra của Chính phủ là cơ quan của Hội đồng chính phủ có trách nhiệm giữ gìn kỷ luật nhà nước, bảo đảm chấp hành nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước bằng cách thường xuyên thanh tra việc chấp hành các chủ trương, chính sách ấy trong các cơ quan thuộc Hội đồng Chính phủ, các ủy ban hành chính địa phương, các cơ quan chuyên môn, sự nghiệp, các xí nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh, các hợp tác xã”.

Nghị định cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và quy định tổ chức bộ máy của Ủy ban Thanh tra gồm: Văn phòng, Vụ Thanh tra nông nghiệp, Vụ Thanh tra Công nghiệp, Vụ Thanh tra xây dựng cơ bản, Vụ Thanh tra Thương nghiệp, Vụ Thanh tra Văn hóa-Xã hội và Vụ Thanh tra Xét khiếu tố. Đứng đầu Ủy ban Thanh tra của Chính phủ là Tổng Thanh tra. Giúp việc cho Tổng Thanh tra có các Phó Tổng Thanh tra và các Ủy viên Ủy ban Thanh tra. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử giữ chức Tổng Thanh tra, đồng chí Trần Mạnh Quỳ được cử giữ chức Phó Tổng Thanh tra và hai đồng chí: Nguyễn Cáo, Đặng Văn Quang được cử giữ chức Ủy viên thanh tra.

Ngày 4/7/1962, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 50/CT-TW về việc tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Chính phủ, chống vi phạm dân chủ, tăng cường kỷ luật nhà nước, chống tác phong quan liêu, mệnh lệnh xã rời quần chúng, chống hiện tượng lãnh phí, tham ô. Ban Bí thư yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra của cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp; kiện toàn tổ chức cơ quan thanh tra chuyên nghiệp ở các ngành, các cấp, các địa phương; tổ chức giáo dục, vận động quần chúng làm công tác kiểm tra ở các cơ sở sản xuất, xây dựng và kinh doanh.

Tiếp đó, ngày 24/8/1963, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 87/TTg về tăng cường công tác kiểm tra. Chỉ thị nhấn mạnh: Phải tăng cường công tác kiểm tra các cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp; phát huy tác dụng của tổ chức quần chúng ở cơ sở đối với công tác kiểm tra và khẩn trương kiện toàn ban thanh tra ở các ngành, các địa phương.

Đánh giá chung, trong 10 năm hoạt động (1955-1965), mặc dù có nhiều khó khăn, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của lãnh đạo các cấp, các ngành, Ủy ban Thanh tra của Chính phủ, các cơ quan thanh tra ở các cấp, các ngành đã từng bước ổn định tổ chức, tăng cường đội ngũ cán bộ thanh tra. Công tác thanh tra trong thời kỳ này đã có tác dụng thiết thực góp phần hoàn thành các công tác trọng tâm của Đảng và Chính phủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công nhân viên, cải tiến công tác quản lý trong các ngành kinh tế quan trọng như công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, xây dựng cơ bản…chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Thông qua các cuộc thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện những khâu sơ hở trong các mặt quản lý kinh tế, tài chính, nghiên cứu và đề xuất với lãnh đạo xây dựng một số chính sách, chế độ quản lý, góp ý kiến với các ngành hữu quan xây dựng, bổ sung các chính sách, chế độ quản lý vật tư, tài chính, quản lý cán bộ. Mặt khác, các cơ quan Thanh tra đã giải quyết và đôn đốc các ngành, các cấp giải quyết khiếu tố của cán bộ, công nhân viên và nhân dân, đáp ứng phần nào quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của quần chúng, góp phần giải quyết tư tưởng, giáo dục chính sách, đoàn kết nhân dân, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm giữ gìn dân chủ và kỷ luật nhà nước. Ngành Thanh tra mà chủ đạo là cơ quan Thanh tra của Chính phủ đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần xứng đáng vào thành công của các kế hoạch mà Đảng, Nhà nước đề ra trong 10 năm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ thanh tra tại Hội nghị tổng kết công tác thanh tra toàn miền Bắc năm 1961


VIDEO