Tổng Thanh tra Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ông Đoàn Hồng Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024
Theo đó, năm 2024, cùng với sự phối hợp của các cơ quan Thanh tra, Kiểm tra, Nội chính, Quân đội, Viện kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Kiểm toán và Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, lực lượng Công an nhân dân thụ lý điều tra hàng nghìn vụ án, bị can phạm tội về tham nhũng.
Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm nhiều sai phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả, xử lý nghiêm một số vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến các hành vi sai phạm diễn ra từ nhiều năm trước và cả những sai phạm mới phát sinh, xảy ra trên diện rộng, có tổ chức, cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài Nhà nước.
Qua thanh tra đã kiến nghị xử lý hành chính 7.629 tập thể và 8.714 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 372 vụ việc. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị xử lý 392 người; chuyển cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền 25 vụ việc.
Các Cơ quan điều tra trong lực lượng công an đã thụ lý điều tra 1.538 vụ án với 3.897 bị can phạm tội về tham nhũng; đã đề nghị truy tố 856 vụ án với 2.686 bị can. Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng đã điều tra 23 vụ án với 70 bị can; đề nghị truy tố 11 vụ án với 57 bị can.
Theo báo cáo, tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 4.759 tỷ đồng, 47.704,2 m2 đất, 138,4 ha đất; đã thu hồi trên 684 tỷ đồng, 16.695 m2 đất và 967,4 ha đất; tạm giữ, kê biên, phong toả, ngăn chặn giao dịch trên 1.184,8 tỷ đồng và nhiều bất động sản, tài sản có giá trị khác.
Riêng vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn đã kê biên, thu giữ trên 315 tỷ đồng; 1,97 triệu USD; 534 cây vàng SJC; 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn những tồn tại, hạn chế như tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục. Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn. Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, nhất là Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống lãng phí, tiêu cực; các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có chức năng PCTNTC đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế".
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện. Tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục. Việc truy bắt đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn; Giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn.
Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2025, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo và các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về PCTNTC. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý tình trạng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên.
Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về PCTNTC, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Giải quyết kịp thời các tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực liên quan đến nhân sự đại hội đảng bộ các cấp. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở, khắc phục tệ “tham nhũng vặt” và tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Tin tức liên quan
- Hội thảo quốc tế về nâng cao năng lực thu hồi tài sản
- Thanh tra Chính phủ kiểm tra việc thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường
- Thanh tra Chính phủ làm việc với Đoàn chuyên gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế
- Việt Nam - Ai Cập hội đàm chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến phòng, chống tham nhũng
- Chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về thanh tra trách nhiệm thực hiện công vụ