Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 đổi tên Ủy ban Thanh tra Nhà nước

22/10/2020

Từ giữa năm 1989 đến đầu năm 1990, tình hình thế giới có biến động phức tạp đã tác động mạnh kinh tế-xã hội của đất nước, tạo ra những khó khăn thách thức không nhỏ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Trong bối cảnh ấy, ngày 01/04/1990, Pháp lệnh Thanh tra-một văn bản mang tính pháp lý cao được công bố. Đây chính là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường pháp luật trong quản lý nhà nước trong điều kiện diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những khó khăn của xã hội lúc đó, nhằm góp phần giữ vững ổn định chính trị tạo tiền đề cho sự phát triển của đất nước không bị chệch hướng, giữ cho kỷ cương, phép nước được nghiêm ngặt, giữ cho mọi hoạt động của xã hội không bị xáo trộn, tăng cường tính kỷ luật và nâng cao ý thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và công dân.

Pháp lệnh gồm 6 chương, 41 điều quy định: Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Nhà nước; tổ chức thanh tra nhân dân và trình tự thanh tra. Ủy ban Thanh tra Nhà nước được đổi tên thành Thanh tra Nhà nước.

Hệ thống tổ chức thanh tra nhà nước gồm:

Thanh tra Nhà nước

Thanh tra bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan thuộc Hội đồng Bộ trưởng.

Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp tương đương.

Thanh tra sở

Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ hcuwcs thanh tra nhà nước, Pháp lệnh khẳng định: “ Thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước; là phương thức bảo đảm pháp chế, tăng cường kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực hiện quyền dân chủ xã hội chủ nghĩa”

Pháp lệnh còn quy định rõ các tổ chức thanh tra nhà nước có chức năng quản lý công tác thanh tra và thực hiện quyền thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành và của cấp đó với nhiệm vụ và quyền hạn chung:

Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, kế hoạch nhà nước của các cơ quan, tổ chức và cá nhân…

Xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết hoặc giải quyết theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo…

Trong phạm vi chức năng của mình, chỉ đạo về tổ chức và hoạt động thanh tra đối với cơ quan, tổ chức hữu quan.

Tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về thanh tra.

Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền những vấn đề về quản lý nhà nước cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các quy định phù hợp với yêu càu cảu quản lý nhà nước  

Pháp lệnh Thanh tra còn quy định vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi tổ chức thanh tra nhà nước gồm: Thanh tra Nhà nước; Thanh tra bộ, Ủy ban Nhà nước, cơ quan thuộc hội đồng Bộ trưởng; thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra sở; Thanh tra huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Thanh tra xã, phường, thị trấn; Thanh tra nhân dân.

Pháp lệnh Thanh tra cũng khẳng định quyền năng pháp lý, chức danh của thanh tra viên, trong đó đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn của thanh tra viên: “Thanh tra viên phải là người có phẩm chất chính trị, trung thực, công minh, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, pháp lý và có hiểu biết cần thiết về quản lý  kinh tế, xã hội, quản lý nhà nước”

Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 là cơ sở pháp lý để kiện toàn bộ máy của thanh tra nhà nước, hệ thống thanh tra nhà nước các bộ, ngành, thanh tra các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thanh tra các sở, thanh tra các quận, huyện, thị xã, thanh tra các xã, phường, thị trấn. Pháp lệnh đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho công tác thanh tra. Sự ra đời của Pháp lệnh Thanh tra thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác thanh tra, đối với việc tăng cường pháp chế XHCN, tăng cường hiệu lực quản lý và điều hành của các cơ quan nhà nước.

Ngày 30/06/1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành NGhị định số 244/HĐBT về tổ chức của hệ thống thanh tra nhà nước và biện pháp bảo đảm hoạt động thanh tra. Bộ máy của cơ quan thanh tra nhà nước bao gồm:

Vụ Thanh tra kinh tế I

Vụ Thanh tra kinh tế II

Vụ Thanh tra Nội chính-Văn xã

Vụ Thanh tra xét khiếu tố

Vụ Tổng hợp-Pháp chế

Vụ Tổ chức cán bộ

Văn phòng

Các đơn vị trực thuộc gồm: Trường Cán bộ Thanh tra và Tạp chí Thanh tra

Đồng chí Nguyễn Kỳ Cẩm, nguyên Chủ nhiệm Ủy Ban Thanh tra Nhà nước được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Thanh tra Nhà nước nhiệm kỳ 1990-1995

Lớp cán bộ Thanh tra Nhà nước những năm 90 thế kỷ 20


VIDEO