Bình Thuận: Mới đạt 33,9% kế hoạch kiên cố hoá trường lớp giai đoạn 2008-2012
Trước năm 2008, cơ sở vật chất về giáo dục của tỉnh Bình Thuận còn nhiều khó khăn, trường, lớp, nhà công vụ cho giáo viên hầu hết là nhà cấp 4, nhiều trường phải học 3 ca và mượn các cơ sở khác để làm phòng học tạm. Mạng lưới trường học của cả 4 cấp chưa được quy hoạch hoàn chỉnh, chưa phân bổ phù hợp với quá trình xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg ngày 01/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án kiên cố hoá trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012 đã tạo cơ hội lớn cho tỉnh xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục. Theo Quyết định số 2186/QĐ-TTg ngày 24/12/2009 về việc phân bổ nguồn vốn thực hiện Đề án, Bình Thuận được ghi số phòng học cần đầu tư xây dựng kiên cố hoá cho cả giai đoạn là 2.346 phòng và nguồn vốn trái phiếu chính phủ hộ trợ hơn 229,8 tỷ đồng, vồn đối ứng của địa phương hơn 153 tỷ đồng.
Khi triển khai thực hiện Đề án, do quá trình rà soát báo cáo cho Bộ Giáo dục & Đào tạo và tham mưu cho UBND tỉnh chưa đánh giá đúng tình hình thực trạng phòng học 3 ca, số phòng tạm, xuống cấp nêm số liệu chưa đầy đủ, chính xác. Vì vậy UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 514/QĐ-UBND ngày 4/3/2010 (thay thế QĐ số 2567/QĐ-UBND ngày 25/9/2009) thay đổi quy mô đầu tư. Theo đó, đầu tư kiên cố hoá 3.328 phòng học (từ nguồn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương kiên cố hoá 3013 phòng học 3 cấp: Mầm non, tiểu học, THCS và 208 phòng học PTTH ; từ ngân sách địa phương xây dựng kiên cố hoá 107 phòng học cho 7 trường PTTH); xây dựng 41 công trình với 146 phòng công vụ cho giáo viên với tổng kinh phí hơn 772 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện Đề án, đến hết năm 2011, tỉnh đã giải ngân và sử dụng hơn 229 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và hơn 285 tỷ đồng ngân sách địa phương để thực hiện triển khai 69 dự án. Đồng thời còn sử dụng hơn 208 tỷ đồng ngân sách, xổ số kiến thiết và huy động khác để đầu tư xây dựng các công trình còn dở dang và xây mới phòng học cấp thiết phải kiên cố. Kết quả toàn tỉnh đã đầu tư xây mới 1697 phòng học/5009 phòng, đạt tỷ lệ 33,9% theo kế hoạch Đề án và đã có 56/463 dự án trường học đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 12,09%.
Kết quả Thanh tra 14 công trình, dự án do Sở Giáo dục&Đào tạo làm chủ đầu tư bao gồm 19 gói thầu xây lắp và 10 gói thầu mua sắm thiết bị với tổng số vốn đựoc duyệt hơn 136 tỷ đồng, Thanh tra tỉnh đã phát hiện nhiều sai phạm trong các khâu như: Thủ tục đấu thầu; quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, nghiệm thu thanh quyết toán không đúng thực tế thi công với tổng số tiền sai phạm hơn 1,4 tỷ đồng. đã xử lý thu hồi về cho ngân sách nhà nước hơn 401 triệu đồng với các công trình đã thanh quyết toán và yêu cầu sở Tài chính xuất toán loại khỏi quyết toán hơn 1 tỷ đồng với các công trình chưa hoàn thành thủ tục thanh quyết toán
Đăng Khoa
Tin tức liên quan
-
Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên cao cấp khóa 48/2024
-
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho đoàn viên, thanh niên tại tỉnh Nam Định
-
Công bố Quyết định thành lập Đảng bộ Thanh tra Chính phủ
-
Thủ tướng trao quyết định thành lập 15 Đảng bộ trực thuộc Đảng uỷ Chính phủ
-
Trao Quyết định bầu Phó Chủ tịch Công đoàn Thanh tra Chính phủ
-
Khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên cao cấp năm 2025