Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ (thời kỳ 1955-1960)

30/09/2020

Với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Giơnevơ năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt đầu chuyển sang cách mạng XHCN, khôi phục, phát triển kinh tế, văn hóa, tăng cường bộ máy quản lý nhà nước. Trước yêu cầu thực tiễn của việc quản lý nhà nước và thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 28/3/1956, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Sắc lệnh số 261/SL thành lập Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ. Sắc lệnh quy định: “Để đảm bảo việc chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chính sách và mệnh lệnh của Chính phủ, để giữ gìn pháp luật và bảo hộ tài sản của Nhà nước, nay thành lập Ban Thanh tra trung ương của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.

Sắc lệnh quy định nhiệm vụ của Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ bao gồm:

  1. Thanh tra công tác các bộ, các cơ quan hành chính và chuyên môn các cấp; các doanh nghiệp của Nhà nước
  2. Thanh tra việc thực hiện kế hoạch nhà nước, việc sử dụng, bảo quản tài sản Nhà nước, chống phá hoại, tham ô và lãng phí.

Sắc lệnh cũng nêu rõ quyền hạn của Ban Thanh tra và quy định tổ chức của Ban Thanh tra gồm: Tổng Thanh tra, hai Phó Tổng Thanh tra và một số ủy viên do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được bổ nhiệm làm Tổng Thanh tra. Các đồng chí: Nguyễn Côn và Trần Tử Bình được bổ nhiệm làm Phó tổng Thanh tra.

Ngày 1/4/1956, Thủ tướng Chính phủ ký Nghị định số 762/TTg quy định về công tác và lề lối làm việc của Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ. Nghị định nêu rõ: “Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ thường xuyên tiến hành công tác thanh tra căn cứ vào Sắc lệnh quy định và theo các thư tố cáo, khiếu nại của nhân dân đối với cơ quan, cán bộ, công nhân viên của Chính phủ”.

Ngày 26/12/1956, Thủ tướng Chính phủ ban hành tiếp Nghị định số 1194/TTg về việc thành lập Ban Thanh tra ở các liên khu, khu, thành phố và tỉnh. Nhiệm vụ của các ban thanh tra các địa phương được quy định là:

  • Thường xuyên thanh tra việc chấp hành đường lối, chính sách, mệnh lệnh của Chính phủ, việc thực hiện kế hoạch nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và của ủy ban hành chính các cấp.
  • Thanh tra việc thi hành dân chủ và kỷ luật trong nội bộ cơ quan, việc sử dụng, bảo quản tài sản của công.
  • Tiếp nhận và xem xét thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, của cán bộ, nhân viên.

   Các ban thanh tra liên khu, khu, thành phố, tỉnh đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ủy ban hành chính các cấp và chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của Ban Thanh tra cấp trên. Tổ chức bộ máy Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ bao gồm: Văn phòng, Phòng Nghiên cứu, Phòng Đơn từ và 2 đoàn thanh tra lưu động. Các ban thanh tra của một số bộ, một số khu, thành, tỉnh từng bước được củng cố.       

  Như vậy, trước yêu cầu của tình hình mới, cùng với việc ổn định tổ chức của một số bộ, ngành, cơ quan thanh tra của Nhà nước và của các địa phương đã được củng cố. Tuy mới được thành lập và đang từng bước được ổn định tổ chức, Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ đã bắt tay ngay vào công tác kiểm tra, phục vụ yêu cầu của đất nước lúc này. Mặc dù cơ quan Thanh tra mới thành lập, lĩnh vực công tác còn mới mẻ, cán bộ còn thiếu và chưa có kinh nghiệm nhưng các cuộc thanh tra do Ban Thanh tra Trung ương triển khai thực hiện  trên nhiều lĩnh vực đã mang lại một số kết quả dáng kể.

Để rút kinh nghiệm về tổ chức, xây dựng và nâng cao chất lượng công tác thanh tra, tháng 4/1957, Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc đã được tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và nói chuyện. Nói chuyện với Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích tầm quan trọng của công tác thanh tra, yêu cầu các cấp chính quyền cũng như các cấp bộ Đảng phải giúp đỡ cho cán bộ thanh tra làm tròn nhiệm vụ. Người cũng chỉ rõ thái độ, phẩm chất của người thanh tra là phải có đạo đức cách mạng, cẩn thận, khách quan, chống quan liêu. Câu nói của Người với cán bộ thanh tra tại Hội nghị này “Thanh tra là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” đã trở thành khẩu hiệu và phương châm hoạt động của toàn ngành.

Bác Hồ với các đại biểu tham dự Hội nghị thanh tra toàn miền Bắc năm 1960

Ngày 29/02/1960, tại Hà Nội, Hội nghị cán bộ thanh tra toàn miền Bắc lần thứ IV được tổ chức với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung đề nghị Trung ương Đảng và Chính phủ thành lập Ủy ban Thanh tra của Chính phủ và ủy ban thanh tra các khu, tỉnh, thành phố cho đến cấp huyện, thay cho Ban Thanh tra Trung ương của Chính phủ và ban thanh tra các cấp. Hội nghị đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và nói chuyện. Trong bài nói chuyện với Hội nghị, Bác chỉ rõ: “Nạn lãng phí, tham ô là do bệnh quan liêu, mệnh lệnh trong công tác của các cấp lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước gây ra…nếu không kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô, thì nó sẽ cản trở, phá hoại ta tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

Về công tác xét khiếu tố, tố giác, Bác chỉ rõ: “Nhiệm vụ của các ban thanh tra là phải làm cho nghiêm chỉnh, cho kịp thời, làm cho sớm chừng nào hay chừng ấy. Đồng bào có oan ức, có thắc mắc mới khiếu nại. Ta phải giải quyết tốt các việc khiếu nại, đồng bào thấy Đảng và Chính phủ quan tâm, lo lắng đến họ, do đó mối quan hệ giữa quần chúng nhân dân với Đảng và Chính phủ được củng cố tốt hơn”.

Phát huy những thành tích đã đạt được và rút kinh nghiệm từ những điều còn hạn chế, ban Thanh tra Trung ương cùng các ban thanh tra các ngành, các cấp, các địa phương bước vào thời kỳ mới của đất nước với những nhiệm vụ nặng nề hơn, đó là thời kỳ: “ Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất nước nhà” như chủ trương, đường lối của Đảng được đề ra tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960.


VIDEO