Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Tọa đàm “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển”

10/12/2014

Trong khuôn khổ các hoạt động tuyên truyền nhân Ngày Quốc tế phòng, chống tham nhũng, ngày 09/12, tại Hà Nội, Thanh t​ra Chính phủ phối hợp với UNDP tổ chức Tọa đàm “Chung tay phòng, chống tham nhũng vì sự phát triển” và trưng bày triển lãm các ấn phẩm, công cụ phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế. Tham dự Tọa đàm có khoảng 300 đại biểu là đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương và Hà Nội; một số tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan, tổ chức quốc tế; trường Đại học, Viện nghiên cứu. Đồng chủ trì Tọa đàm, ông Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Trần Đức Lượng; Bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc Quốc gia Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam; Ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, nêu những hệ lụy của nạn tham nhũng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng nhận định, chính tệ nạn này làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội; làm gia tăng sự đói nghèo và suy yếu các hệ thống y tế, giáo dục; phá hoại nền dân chủ; làm trầm trọng thêm sự bất công và bất bình đẳng trong xã hội. Đấu tranh chống tham nhũng là mối quan tâm toàn cầu bởi tham nhũng xảy ra ở cả những quốc gia giàu có lẫn nghèo khổ, nhưng người nghèo là nhóm người phải chịu sự tổn thương lớn nhất. Trong những năm qua, với sự chung tay của cả khu vực công, khu vực tư, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông và người dân, nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tham nhũng, khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng. 
Tọa đàm được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người dân về chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật cũng như những nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng đồng thời, khuyến khích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Qua đó cho thấy, phòng, chống tham nhũng không còn được coi là nhiệm vụ của riêng cuả Chính phủ và người dân không còn thụ động, e ngại, hay chỉ ngồi quan sát và bình luận về những gì mà các cơ quan nhà nước đang làm, giờ đây thông qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các kênh thông tin đại chúng người dân đã chủ động hơn và tích cực tham gia vào những nỗ lực phòng, chống tham nhũng tạo nên những hiệu quả nhất định cho công tác này.

Tại buổi Tọa đàm, trình bày tham luận của mình, đại diện Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện nay có khoảng 70% doanh nghiệp có bộ quy tắc ứng xử. Các doanh nghiệp đa số đã nhận thức được tầm quan trọng và hiệu quả của việc xây dựng, thực hiện các bộ quy tắc ứng xử nhằm phòng ngừa tham nhũng. Trong những năm trở lại đây, VCCI đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và áp dụng bộ quy tắc ứng xử như: tổ chức các khóa đào tạo về các công cụ phòng, chống tham nhũng, phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức về phòng, chống tham nhũng và xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho các doanh nghiệp.

Tiếp tục buổi Tọa đàm, đại diện của Tổ chức Hướng tới Minh bạch (TT) khẳng định, bất kỳ nỗ lực phòng, chống tham nhũng nào cũng sẽ không thể thành công nếu không dựa trên nguyện vọng của người dân và không có sự tham gia của người dân. Những văn bản như Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật khiếu nại, Luật tố cáo đã tạo khuôn khổ pháp lý cho sự tham gia của người dân vào công tác phòng, chống tham nhũng. Đại diện TT cũng đưa ra một số đề xuất nhằm thúc đẩy hơn nữa sự tham gia của người dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng đó là, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với thông tin về hoạt động của các cơ quan nhà nước; thực hiện các sáng kiến cho phép công dân, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự cùng tham gia vào các nỗ lực của Chính phủ để tăng cường minh bạch, trách nhiệm giải trình và liêm chính của các cơ quan công quyền; tăng cường hơn nữa hiệu quả của các cơ chế giải quyết khiếu nại; cụ thể hóa và tăng cường hiệu quả của các biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng.v.v.

Tham dự Tọa đàm với bài tham luận của mình, Giám đốc Quốc gia Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Zhuldyz Akisheva đã đưa ra những thực tiễn tốt trên thế giới về bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng. Bà cho rằng, để bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng hiệu quả thì cần có khuôn khổ thể chế, kênh tố cáo hiệu quả; có hình thức khen thưởng để khuyến khích người tố cáo đồng thời cần xác định rõ những hành vi trả thù người tố cáo và có cơ chế bảo vệ toàn diện người tố cáo; nâng cao nhận thức về việc bảo vệ người tố cáo và công tác này cũng cần được đánh giá thường xuyên.

Phần tham luận của đại diện Học viện An ninh nêu và khẳng định sự cần thiết, hiệu quả của việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đào tạo. Tham luận của đại diện Đề án P36, Chương trình sáng kiến phòng, chống tham nhũng (VACI 2013) đến từ Học viện Báo chí và Tuyên truyền kêu gọi sự chung tay của tuổi trẻ trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, cũng nhận được nhiều ý kiến phản hồi tích cực cùng sự quan tâm, chia sẻ, đồng tình của các đại biểu tham dự Tọa đàm.


Phát biểu kết luận buổi Tọa đàm, đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đây là lần đầu tiên Thanh tra Chính phủ tổ chức tọa đàm về phòng, chống tham nhũng với cách tiếp cận mới, tạo điều kiện để các diễn giả nói về trải nghiệm của mình trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh, bầu nhiệt huyết sôi nổi của tuổi trẻ thông qua Dự án giảng đường tươi đẹp (Đề án P36); khó khăn, thách thức và tác động tích cực của việc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy trong nhà trường; nỗ lực của khu vực tư để phòng, chống tham nhũng qua Bộ quy tắc ứng xử; những chia sẻ và khẳng định về vị trí, vai trò quan trọng của người dân trong công tác phòng, chống tham nhũng; cái nhìn tổng quan về các cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng của nhiều quốc gia trên thế giới đã làm rõ thêm các giải pháp phòng ngừa, bổ sung các giải pháp phòng ngừa và nhấn mạnh vai trò của công chúng trong phòng, chống tham nhũng, để góp phần thiết thực hơn trong thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng thời gian tới. Qua các phần tham luận của đại biểu càng khẳng định hơn, nhận thức và sự tham gia của mọi thành phần, trong xã hội vào công cuộc phòng, chống tham nhũng ngày một nhiều hơn, người dân đã thực sự tham gia phòng, chống tham nhũng bằng những hành động thiết thực và tính lan tỏa cao.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh khẳng định những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng được thể hiện trên nhiều văn bản về phòng, chống tham nhũng. Trong các văn bản luôn có nội dung, điều khoản cụ thể về sự tham gia của người dân vào công tác này. Người dân đã tham gia tích cực hơn vào công tác phòng, chống tham nhũng, chủ động hơn trong việc phát hiện và tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ sai phạm đã được xử lý nghiêm nhờ sự tham gia tích cực của người dân và báo chí. Để phát huy hơn nữa vai trò của người dân và các thành phần xã hội tham gia vào phòng, chống tham nhũng, Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, gắn với cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; thực hiện hiệu quả cơ chế giám sát phản biện, tham gia xây dựng cơ chế chính sách của người dân; thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường cơ chế bảo vệ người tố cáo và khen thưởng xứng đáng người tố cáo; bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng nhằm củng cố lòng tin của người dân và khuyến khích họ tham gia ngày càng tích cực hơn vào công cuộc phòng, chống tham nhũng./.


VIDEO