Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Tập huấn Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành

16/08/2013

Ngày 15-8, tại Hòa Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đã chủ trì Hội nghị tập huấn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành. Với sự tham dự của đại diện một số thanh tra các bộ, ngành, và thanh tra các tỉnh khu vực phía Bắc.

Tại Hội nghị, các báo cáo viên là các chuyên gia của Thanh tra Chính phủ đã trao đổi nội dung 4 văn bản mới được ban hành liên quan đến pháp luật về PCTN bao gồm: Những nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; Những nội dung cơ bản của Nghị định 59/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17/6/2013 quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật PCTN, thay thế cho Nghị định số 120/2006/NĐ-CP ngày 20/10/2006; Những nội dung cơ bản của Nghị định 78/2013/NĐ-CP ngày 17/7/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập, thay thế cho Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 9/3/2007; Những nội dung cơ bản của Nghị định 90/2013/NĐ-CP ngày 8/8/2013 của Chính phủ quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Tại diễn đàn, các báo cáo viên đã tập trung diễn giải những điểm mới của Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi, bổ sung cũng như các Nghị định mới được ban hành như:. Các quy định về hình thức và lĩnh vực thực hiện công khai, minh bạch, nhằm khắc phục tính hình thức khi thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định các hình thức công khai bắt buộc mà người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải lựa chọn; sửa đổi bổ sung các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm hạn chế tính hình thức, tác dụng phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế, hiệu quả thấp. Việc xác minh tài sản, thu nhập nhằm làm rõ tính trung thực của việc kê khai còn ít được thực hiện, kết quả kê khai chưa được công khai rộng rãi, chưa được sử dụng đầy đủ để tăng cường cơ chế giám sát nhằm ngăn chặn tham nhũng.Để khắc phục những bất cập trên, thì Nghị định 78/2013/NĐ-CP đã có nhiều quy định mới như quy định người có nghĩa vụ kê khai tập trung chủ yếu vào vị trí có thể phát sinh tham nhũng nhiều; hay cách thức kê khai là kê khai hàng năm vì vậy không còn việc kê khai lần đầu, hay kê khai bổ sung;... Đặc biệt về giải trình tài sản, thu nhập đối tượng kê khai phải giải trình biến động của tài sản thu nhập ngay trong bản kê khai trong trường hợp giải trình không thỏa đáng, nếu phát hiện nghi vấn thì cơ quan có thẩm quyền yêu cầu người kê khai phải cung cấp các chứng cứ giải trình tài sản tăng thêm đó. Luật mới cũng bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng…
Trên cơ sở nghiên cứu các văn bản và nghe thuyết trình các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi nhiều vấn đề cũng như nêu nhiều vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc khi triển khai thực hiện Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành tại địa phương, đơn vị mình.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lương cho rằng, trong khoảng từ năm 2005 đến nay chúng ta đã đạt được những bước tiến quan trọng trong hệ thống văn bản PCTN, luôn luôn đề ra những giải pháp mới, mặc dù còn khó khăn, phức tạp chưa đạt yêu cầu nhưng chúng ta đã thể hiện được cả về mặt quyết tâm chính trị, cả về mặt tổ chức thực hiện. Quá trình hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, điều hành đất nước là nhiệm vụ thường xuyên. Việc hoàn thiện các văn bản pháp luật nói chung cũng như hoàn thiện văn bản pháp luật trong lĩnh vực PCTN nói riêng là nhu cầu tất yếu để hướng đến phục vụ lợi ích của nhân dân, hướng đến sự phát triển của đất nước. Song việc đưa các văn bản pháp luật vào trong thực tiễn cuộc sống là một công việc rất khó và trách nhiệm của ngành Thanh tra là rất nặng nề. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lương hy vọng các đại biểu sẽ hiểu rõ hơn nội dung các văn bản pháp luật để việc áp dụng được thống nhất và chính xác, đồng thời Thanh tra Chính phủ cũng sẽ chọn lọc, tiếp thu ý kiến của các đại biểu để tiếp tục nghiên cứu đưa ra đề xuất thể chế hóa các ý kiến đó thành các quy phạm pháp luật áp dụng vào trong thực tiễn./.
 
Đăng Khoa

VIDEO