Truy cập nội dung luôn

THANH TRA CHÍNH PHỦ

The Government Inspectorate of Vietnam

Kết quả các cuộc họp về Hợp tác quốc tế và Nhóm Đánh giá thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng tại Cộng hòa Áo

24/11/2014

Từ ngày 09- 15/10/2014, Đoàn công tác liên ngành của Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an do Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng làm Trưởng Đoàn đã tham dự cuộc họp lần thứ 3 của nhóm chuyên gia liên chính phủ về hợp tác quốc tế và phiên họp bổ sung cho cuộc họp lần thứ 5 của nhóm chuyên gia liên chính phủ về đánh giá thực thi (gọi tắt là nhóm đánh giá) Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (gọi tắt là UNCAC) tại Viên, Cộng hòa Áo.

Cuộc họp lần thứ 3 về Hợp tác quốc tế do Ông Thomas Burrows (Hoa Kỳ) chủ trì với sự tham gia của 59 quốc gia thành viên, các bên ký kết, các quan sát viên và tổ chức quốc tế. Trong hai ngày làm việc, cuộc họp đã lắng nghe Ban Thư ký UNCAC cập nhật kết quả quan trọng nhất và những vấn đề rút ra từ các cuộc đánh giá thực thi Công ước (đối với Chương IV về Hợp tác quốc tế) đã hoàn tất thuộc chu trình đánh giá đầu tiên; cùng nhau thảo luận về vấn đề hợp tác quốc tế trong tố tụng dân sự và hành chính có liên quan đến việc phát hiện các tội phạm theo UNCAC, bao gồm cả việc nhận diện, phong tỏa và tịch thu tài sản do phạm tội mà có; thảo luận về những trở ngại của việc hợp tác trong quá trình thực thi nhằm phát hiện hành vi phạm tội theo Công ước và các vấn đề khác có liên quan. Theo tổng hợp và phân tích của Ban Thư ký UNCAC từ các báo cáo quốc gia thành viên đã hoàn tất việc đánh giá, các vấn đề nổi lên hiện nay trong quá trình thực hiện Chương IV UNCAC có liên quan đến dẫn độ tội phạm và tương trợ tư pháp, cụ thể là: việc ký kết các hiệp định song phương về dẫn độ tội phạm và việc coi Công ước như là cơ sở pháp lý trong hợp tác quốc tế; tầm quan trọng của việc bảo mật số liệu và thông tin về các yêu cầu hợp tác quốc tế; thời gian cần thiết cho dẫn độ và thực hiện yêu cầu tương trợ tư pháp; vai trò điều phối và chức năng của các cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp; hợp tác trong tiến hành các biện pháp điều tra đặc biệt; tiếp cận của các khu vực về hợp tác thực thi pháp luật và việc sử dụng các cán bộ thực thi pháp luật. Cuộc họp nhóm đánh giá do Ông Paulus Noa (Namibia)- Phó Chủ tịch Hội nghị các quốc gia thành viên UNCAC (CoSP) chủ trì với sự tham gia của 117 quốc gia thành viên và các bên ký kết, các quan sát viên, các tổ chức liên chính phủ, và tổ chức quốc tế. Trong ba ngày làm việc, Nhóm đã cùng nhau thảo luận và chia sẻ thực tiễn tốt và thách thức trong quá trình thực hiện Chương III (Hình sự hóa và thực thi pháp luật) và Chương IV (Hợp tác quốc tế) của UNCAC; cũng như đánh giá việc thực hiện Cơ chế đánh giá UNCAC nói chung và tiến hành bốc thăm bổ sung các quốc gia đi đánh giá.
Trong phiên thảo luận đầu tiên về đánh giá việc thực thi Chương III, đại diện của Đoàn Việt Nam cùng hai đại diện đến từ Botswana và Kuwait đã được mời làm diễn giả chia sẻ kinh nghiệm của quốc gia liên quan đến vấn đề này. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã chia sẻ một số kinh nghiệm và kết quả từ quá trình đánh giá thực thi UNCAC đã hoàn thành vào năm 2012, đặc biệt là nhấn mạnh vào một số kết quả chính và thách thức đã được nhận diện trong quá trình đánh giá, như chưa có quy định về tội hối lộ công chức nước ngoài, công chức của tổ chức quốc tế công; chưa có quy định về các hành vi tham nhũng trong khu vực tư; chưa có quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Trong phần trình bày, đại diện Việt Nam cũng đề cập đến một số tiến triển mà Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua và phương hướng trong thời gian tới nhằm nâng mức độ tuân thủ đối với các điều khoản của UNCAC như sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999 với việc xem xét sửa toàn diện các quy định về tội phạm tham nhũng, cân nhắc việc quy định tội phạm tham nhũng trong khu vực tư; trách nhiệm hình sự của pháp nhân; nghiên cứu toàn diện cơ chế và các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng; tiếp tục hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tố cáo.

Bên lề các cuộc họp chính thức, Đoàn Việt Nam đã có buổi làm việc với Ban Thư ký, đại diện của Trung Quốc đề cập nhật sơ bộ việc tiến hành đánh giá thực thi UNCAC đối với Trung Quốc. Theo đó, ngay sau khi nhận được báo cáo tự đánh giá UNCAC (ngày 24/9/2014) của Trung Quốc, Việt Nam đã tổ chức cuộc họp của nhóm chuyên gia chính phủ để phân công công việc giữa các thành viên Nhóm (gồm đại diện: Thanh tra Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao). Việt Nam cũng đề nghị phía Trung Quốc, Ban Thư ký khẩn trương hoàn thiện và gửi phần báo cáo tự đánh giá UNCAC của Đặc khu hành chính Macau để tiến hành đánh giá và tích cực phối hợp, hỗ trợ cho quá trình đánh giá của các chuyên gia Việt Nam. Đại diện phía Trung Quốc và Ban Thư ký cam kết hợp tác chặt chẽ với phía Việt Nam (thông qua cán bộ đầu mối quốc gia) để triển khai có hiệu quả các hoạt động đánh giá theo đúng Nghị quyết về Cơ chế đánh giá UNCAC được CoSP thông qua.

Đồng thời, Đoàn Việt Nam cũng đã tham gia buổi tham vấn không chính thức đa phương do Phái đoàn đại diện ngoại giao Nga tại Áo đề xuất và chủ trì với sự tham gia của đại diện gần 40 quốc gia, để thảo luận về Chương trình nghị sự của CoSP lần thứ 6, dự kiến sẽ được tổ chức tại Nga vào tháng 11 năm 2015.


VIDEO